Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 nhằm góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
Đăng ngày 06-03-2024 22:56, Lượt xem: 528

Chiều 6-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, kết nối trực tuyến đến 500 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và cấp huyện trên cả nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Lê Minh Ngân đồng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Nhiều điểm mới mang tính đột phá

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào ngày 18-1-2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương với 260 điều. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 kết nối trực tuyến đến 500 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và cấp huyện trên cả nước

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

Với tinh thần đó, ngày 5-3-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Giới thiệu về những điểm mới của Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi, là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.

Luật Đất đai 2024 Luật Đất đai có những điểm mới bám sát Nghị quyết 18 của Trung ương và được cụ thể hóa như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận, giá đất…

Cụ thể, về tài chính giá đất, Luật có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm, áp dụng cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.

Về phương pháp định giá đất, Luật quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất.

Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, sớm đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp, điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

“Việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai vừa qua có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện quyết tâm, thống nhất về quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng. Đây cũng là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Quyết định 222/QĐ-TTg giao nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư; hiện nay Bộ đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện. Đồng thời, tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ các nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương; do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể, các Hội, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền những sâu rộng những nội dung của Luật, nhất là những điểm mới của Luật Đất đai 2024 nhằm đưa Luật đi vào cuộc sống, để cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp thực hiện khi Luật có hiệu lực.

“Hiện nay, các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế. Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT