Xúc tiến và tăng cường mối quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng với các đối tác Châu Âu giai đoạn 2022-2025
Đăng ngày 26-09-2022 09:25, Lượt xem: 245

Ngày 21-9, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số170 về Xúc tiến và tăng cường mối quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng với các đối tác Châu Âu giai đoạn 2022-2025.

Trong hơn 30 năm qua, quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU) nói riêng và Việt Nam - châu Âu nói chung đã phát triển từ quan hệ một chiều giữa “nước nhận viện trợ và nhà tài trợ” trở thành quan hệ đối tác bình đẳng và cùng có lợi, hợp tác toàn diện và bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở lợi ích chung với các cơ chế toàn diện, đáp ứng hiệu quả, thiết thực nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược của cả hai bên, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.

Trong những năm gần đây, hợp tác Việt Nam - châu Âu đã đạt được những bước tiến quan trọng với hàng loạt các Hiệp định có hiệu lực/hoàn tất đàm phán, gồm: Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) hiệu lực từ ngày 05/10/2016; Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.Ở cấp khu vực, Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU (AE CATA) đã được hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 6/2021 tại cuộc họp bất thường của các quan chức cao cấp giao thông vận tải ASEAN-EU. Như vậy, ở cả cấp quốc gia và khu vực, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước châu Âu đều đã được thực hiện ở hình thức cao nhất thông qua các Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định cụ thể, tạo động lực và là đòn bẩy thúc đẩy hợp tác song phương phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Thị trường Châu Âu là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước Châu Âu mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh. Thời gian vừa qua đã ghi nhận EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu, là đối tác thương mại lớ hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Kinh tế EU và Việt Nam cũng dần phục hồi và mở cửa trở lại hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, an ninh - quốc phòng...

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài, nguồn cun các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phá triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Châu Âu là đối tác thương mạ truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Về kim ngạch thương mại với Việt Nam, Nga xếp thứ nhất còn Ukraine xếp thứ 6. Sự đứt gãy hoạt động thương mại tại thị trường Nga và Ukraine sẽ tác động đến cả những thị trường liên quan khác. Bên cạnh đó, khủng hoảng Nga-Ukraine còn ảnh hưởng đến các dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và thị trường khách du lịch quốc tế từ khu vực Đông Âu.

Tại Đà Nẵng, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác với châu Âu phát triển đi lên thông qua nhiều chương trình/dự án tiêu biểu trên các phương diện: Hợp tác địa phương; Ngoại giao kinh tế; Viện trợ phi chính phủ; Hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; Ngoại giao văn hóa,... Đà Nẵng vẫn luôn nhận định Châu Âu là một đối tác quan trọng và nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển.

Trong bối cảnh mới, thách thức mới, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng các kế hoạch, chiến lược phù hợp để mở rộng hoạt động hợp tác tại thị trường trọng điểm và nhiều tiềm năng này nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Châu Âu, góp phần phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Châu Âu; Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam và các nước thành viên EU và ngoài EU là thành viên chính thức.

Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết và thu hút sự quan tâm của các đối tác Châu Âu về thị trường Đà Nẵng và ngược lại; đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ cao, cảng biển và cảng hàng không, logistics..., đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, hướng tới phục hồi toàn diện và bền vững; quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với các nước châu Âu, góp phần xây dụng mục tiêu “Thành phố đáng sống, điểm đến đầu tư lý tưởng” cho các đối tác Châu Âu.

Các hoạt động xúc tiến hợp tác giữa Đà Nẵng - Châu Âu đảm bảo yêu cầu đa dạng hóa các phương thức, trong đó chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số; Chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế, tạo đà quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, tập trung vào một số thị trường trọng điểm và tiềm năng, bao gồm: các nước thành viên EU như: Pháp, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch,… và các nước ngoài EU như Nga, Anh, Thụy Sỹ.

Các hoạt động đảm bảo các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể bám sát các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển của thành phố gắn với Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025.

Trên các cơ sở đó, thành phố phố sẽ xây dựng kế hoạch theo từng thị trường trọng điểm trên định hướng các trụ cột đối ngoại và các lĩnh vực trọng điểm của thành phố: Ngoại giao kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch... trong từng thế mạnh cụ thể của từng đối tác châu Âu); Ngoại giao văn hóa; Hợp tác cấp địa phương trên các lĩnh vực: giáo dục, khoa học, đổi mới sáng tạo;...

UBND thành phố đề nghị căn cứ các nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hoặc lồng ghép nội dung liên quan trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Kế hoạch. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị quan triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố tình hình, kết quả thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ chế độ, định mức chi tài chính hiện hành và nhiệm vụ được phân công chủ động cân đối, sắp xếp, phân bổ kinh phí bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chi một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn xã hội hóa để phát huy hiệu quả Kế hoạch này và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị bảo cáo UBND thành phố (qua Sở Ngoại vụ) xem xét, điều chỉnh Kế hoach.

THANH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT