Điều kiện mới về tuyển sinh liên thông trình độ cao đẳng; Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; Cho phép đào tạo thạc sĩ ngành hóa dược; Điều kiện về tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp; Làm thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh qua cơ chế một cửa Quốc gia từ 15/11; Phục vụ thức ăn cho hành khách bị chậm chuyến bay từ 3 giờ trở lên... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2017.
Điều kiện mới về tuyển sinh liên thông trình độ cao đẳng
Bộ Lao động Thương binh xã hội vừa ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH, theo đó, quy định liên thông đào tạo trình độ cao đẳng đối với một trong các đối tượng sau đây:
- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương.
- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.
Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 05/11/2017.
Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
Có hiệu lực từ ngày 20/11/2017, Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh là phải có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp. Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 5 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp…
Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng được chỉ rõ, như tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 3 người học thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng; tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành…
Cho phép đào tạo thạc sĩ ngành hóa dược
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017về Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, ngành Hóa dược được bổ sung vào danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, thuộc nhóm ngành Dược học trong khối ngành Sức khỏe.
Ngoài ra, Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT còn bổ sung nhóm ngành Kỹ thuật y học vào khối ngành Sức khỏe trong danh mục đào tạo, giáo dục cấp IV ở cả trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, gồm các ngành sau: Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Thông tư nêu rõ, căn cứ các ngành được phép đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.
Điều kiện về tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 241/2017/TT-BQP quy định về tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Thông tư số 241/2017/TT-BQP quy định rõ về tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Theo đó, đối tượng tuyển chọn: Quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Điều kiện tuyển chọn: Đối với quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14; đối với công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các quy định sau: Quân đội nhân dân có nhu cầu biên chế; đang đảm nhiệm chức danh thuộc diện bố trí là quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm là công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp là viên chức quốc phòng; có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm của công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức quốc phòng.
Ưu tiên trong tuyển chọn đối với các đối tượng được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 8, Khoản 4 Điều 14, Khoản 4 Điều 28 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các quy định sau: Hạ sĩ quan, binh sĩ đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên; tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ Quân đội không đào tạo, phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm của công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức quốc phòng; có tài năng, năng khiếu đặc biệt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và biên chế của Quân đội nhân dân trong các ngành, lĩnh vực thể dục thể thao, nghệ thuật; là người dân tộc thiểu số.
Thông tư số 241/2017/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ 15/11/2017.
Làm thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh qua cơ chế một cửa Quốc gia từ 15/11
Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ thực hiện thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh bằng việc khai báo thông tin điện tử qua cổng thông tin một cửa Quốc gia. Thời hạn thực hiện thủ tục được quy định như sau:
Đối với các thông tin và chứng từ điện tử được khai báo qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia: Không quá 01 giờ từ khi người làm thủ tục khai báo thông tin đầy đủ, hợp lệ và gửi thông tin chứng từ điện tử tới hệ thống.
Đối với các chứng từ bẳt buộc phải nộp và xuất trình tại Cảng hàng không: Ngay khi người làm thủ tục nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định.
Trình tự, thủ tục đối với tàu bay xuất nhập cảnh được quy định cụ thể tại Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg.
Phục vụ thức ăn cho hành khách bị chậm chuyến bay từ 3 giờ trở lên
Đây là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung quy định chất lượng dịch vụ hành khách của cảng hàng không.
Theo đó, trong mọi trường hợp khách hàng bị chậm, hoãn hoặc hủy chuyến thì hãng hàng không phải có nghĩa vụ thực hiện các công việc sau đây:
- Phải phục vụ nước uống nếu chậm từ 2 giờ trở lên và đồ ăn nếu chậm từ 3 giờ trở lên.
- Chậm từ 06 giờ trở lên (từ 7h đến trước 22h) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.
- Chậm 06 giờ trở lên (từ 22h đến trước 7h ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.
- Chuyển đổi hành trình hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để hành khách tới điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.
Khuyến khích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội
Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
Quy định trên được nêu tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội
Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 103/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2017,
Phạt đến 100 triệu đồng các trường hợp vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính...
Đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Nghị định số 104/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017 và thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.
KHÁNH VÂN