Quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2; Định danh, xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Quy định về điều kiện thực hiện cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước; Điều chỉnh quy định về bảo vệ người lao động khi thực hiện tố cáo; Quy định mới về quy trình tiếp công dân… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021.
Quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thông tư số 16/2021/TT-BYT áp dụng trong các trường hợp: Thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; Người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả; Các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và không áp dụng đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể , mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT như sau:
- Đối với mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế:
+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh: mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm.
+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động: mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm.
+ Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR: Trường hợp mẫu đơn, mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm
-. Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế:
+ Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này: Việc xác định mức giá thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 16/2021/TT-BYT.
+ Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng: mức giá thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 16/2021/TT-BYT.
Thông tư số 16/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/11/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
Định danh, xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg , danh tính điện tử của công dân Việt Nam bao gồm: Số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung và vân tay. Danh tính điện tử của người nước ngoài bao gồm: Số hộ chiếu hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ảnh chân dung và vân tay (nếu có).
Việc lựa chọn sử dụng mức độ của tài khoản định danh điện tử do bên sử dụng dịch vụ quyết định. Cá nhân, tổ chức được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải tuân thủ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử của cá nhân. Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử (cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ).
Bên cạnh đó, việc tạo lập tài khoản định danh điện tử của cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải sử dụng danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử do cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quyết định.
Cũng theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, đối với những tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh trước ngày 09/11/2021 thì đến trước ngày 01/01/2023 phải được xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.
Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 09/11/2021.
Quy định về điều kiện thực hiện cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước
Có hiệu lực kể từ ngày 24/11/2021, Thông tư số 89/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Theo đó, các khoản chi của đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện cam kết chi khi có đủ các điều kiện sau:
- Đề nghị cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách phải đầy đủ các chỉ tiêu thông tin theo Mẫu quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và đảm bảo tính pháp lý, cụ thể: Dấu, chữ ký trên Giấy đề nghị cam kết chi NSNN, điều chỉnh cam kết chi NSNN khớp đúng với mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại Kho bạc Nhà nước và đảm bảo còn hiệu lực; Hợp đồng thực hiện cam kết chi phải đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực của hợp đồng.
- Số tiền đề nghị cam kết chi không vượt quá dự toán hoặc kế hoạch vốn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao còn được phép sử dụng.
- Đề nghị cam kết chi năm ngân sách hiện hành của đơn vị sử dụng ngân sách phải gửi đến Kho bạc Nhà nước chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 01 năm sau. Đồng thời, phải có đầy đủ hồ sơ đề nghị cam kết chi theo đúng quy định và dự toán, kế hoạch vốn đã được nhập, phê duyệt trên hệ thống TABMIS.
Thông tư số 89/2021/TT-BTC cũng quy định cụ thể về thời hạn gửi cam kết chi của đơn vị sử dụng ngân sách qua Kho bạc Nhà nước như sau:
- Đối với hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu xây lắp: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng.
- Đối với hợp đồng thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên, kể từ năm thứ 2 trở đi: trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị sử dụng ngân sách nhận được văn bản giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn của cơ quan có thẩm quyền (thời hạn này được tính trên dấu công văn đến của đơn vị sử dụng ngân sách).
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn trong tháng 12 năm trước: thời hạn gửi đề nghị cam kết chi tối đa 20 ngày làm việc, được tính từ ngày 01 tháng 01 năm sau.
Điều chỉnh quy định về bảo vệ người lao động khi thực hiện tố cáo
Có hiệu lực từ ngày 01/11/2021, Thông tư số 09/2021/TT-BLĐBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo Thông tư số 09/2021/TT-BLĐBXH, người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ thì văn bản đề nghị phải có các nội dung sau: ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Trong trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Cũng theo Thông tư số 09/2021/TT-BLĐBXH, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp. Đặc biệt, phải bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để tránh trường hợp NLĐ bị trù dập, phân biệt đối xử, các cơ quan, đơn vị cần có các biện pháp bảo vệ việc làm, trong đó xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Đối với trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ trong bảo vệ người tố cáo, Thông tư số 09/2021/TT-BLĐBXH quy định rõ, trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo của tổ chức mà NLĐ tham gia tại doanh nghiệp phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định
Quy định mới về quy trình tiếp công dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân, đối tượng áp dụng là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người tiếp công dân.
Theo đó, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định: người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân khi đến địa điểm tiếp công dân; trường hợp khiếu nại thì xuất trình xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có). Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân. Nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Trong trường hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày, ghi lại nội dung và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Đặc biệt, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP nhấn mạnh: người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới. Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết. Nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết (khoản 3 Điều 10 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP).
Thông tư số 04/2021/TT-TTCP có hiệu lực thi hành từ 15/11/2021.
KHÁNH VÂN