Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2022
Đăng ngày 20-05-2022 11:11, Lượt xem: 160

Sửa đổi, bổ sung quy định thời hạn cấp giấy phép, giám định văn hóa phẩm nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh; Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại; Sửa quy định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2022.

Sửa đổi, bổ sung quy định thời hạn cấp giấy phép, giám định văn hóa phẩm nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó bổ sung một số quy định về nhập khẩu phim.

Về thủ tục cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 9 như sau: Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cung cấp văn hóa phẩm nhập khẩu và tờ khai hải quan (bản sao không cần chứng thực) để cơ quan cấp giấy phép giám định. Đối với cá nhân nhập khẩu phim chỉ để sử dụng cho mục đích cá nhân cam kết không vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 10 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau: Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép. Đối với văn hóa phẩm là phim, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép.

Về thời gian giám định văn hóa phẩm nhập khẩu, Nghị định số 22/2022/NĐ-CP quy định tối đa không quá 12 ngày làm việc. Đối với văn hóa phẩm là phim, thời gian giám định phim không quá 12 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cung cấp bản phim.

Nghị định số 22/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.

Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.

Theo đó, từ ngày 01/5/2022, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đăng ký phân loại với cơ quan tiếp nhận bằng một trong hai hình thức sau:

- Hình thức trực tuyến: Doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử www.kiemlam.org.vn để đăng ký theo hướng dẫn của Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp.

- Hình thức trực tiếp:

+ Trường hợp doanh nghiệp không ứng dụng được Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan tiếp nhận.

+ Cơ quan tiếp nhận nhập hồ sơ của doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp; thông báo đến doanh nghiệp kết quả tiếp nhận đăng ký phân loại doanh nghiệp theo; lưu trữ tài liệu đăng ký theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại

Có hiệu lực từ ngày 20/5/2022, Thông tư số 23/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thông tư số 23/2022/TT-BTC nêu rõ, nguyên tắc quản lý tài chính đối với khoản viện trợ là mọi khoản viện trợ đều phải được phân loại, quản lý, theo dõi và hạch toán theo từng phương thức tài trợ (chương trình, dự án hoặc phi dự án); tính chất khoản chi ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư, phát triển hoặc chi khác của NSNN), phương thức tổ chức thực hiện (bên tài trợ nước ngoài trực tiếp, hoặc ủy thác một tổ chức khác thực hiện hoặc chủ chương trình, chủ dự án bên Việt Nam thực hiện).

Vốn viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu NSNN được dự toán, hạch toán đầy đủ, kịp thời; quyết toán theo quy định về quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước và quyết toán chi của chương trình, dự án, khoản viện trợ.

Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm lập dự toán thu, chi NSNN sát khả năng thực hiện trong năm để tiếp nhận, thực hiện, hạch toán, quyết toán thu chi NSNN đối với khoản viện trợ theo quy định tại Thông tư này; kịp thời đề xuất bố trí dự toán bổ sung trong trường hợp phát sinh nhu cầu thu, chi viện trợ đột xuất; chỉ tiếp nhận vốn viện trợ khi có nhu cầu, khả năng sử dụng.

Mọi khoản viện trợ bằng tiền do chủ chương trình, dự án phía Việt Nam trực tiếp quản lý, thực hiện được chuyển vào một tài khoản riêng mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại ngay khi tiếp nhận; được theo dõi, hạch toán, quyết toán riêng theo từng khoản viện trợ cụ thể.

Đồng thời, các khoản viện trợ bằng tiền do chủ chương trình, dự án bên Việt Nam thực hiện phải kiểm soát chi theo quy định pháp luật về kiểm soát chi NSNN.

Thông tư số 23/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.

Sửa quy định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-NHNN ngày 31/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Thông tư số 02/2022/TT-NHNN sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 4 các trường hợp cho vay đặc biệt như sau: cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.

Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2022/TT-NHNN cũng sửa đổi Khoản 1 Điều 5 nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b, c, đ Khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c Khoản 3, điểm b Khoản 4 Điều 4 Thông tư này, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2022/TT-NHNN thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.

Thông tư số 02/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/5/2022.

2 hình thức liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:

- Liên kết phối hợp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo;

- Liên kết đặt lớp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo.

Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH nêu rõ, chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu được cấp theo đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị chủ trì liên kết. Các bên tham gia liên kết đào tạo được thống nhất mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí theo quy định.

Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và thay thế Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT