Bổ sung thêm một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quy định mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế; Tiêu chuẩn trình độ đào tạo công chức ngành hải quan… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2022.
Bổ sung thêm một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thông tư số 120/2021/TT-BTC tiếp tục gia hạn thời gian được giảm mức thu của các khoản phí khác như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...
Đồng thời, tiếp tục bổ sung 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm như: Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa; Giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).
Thông tư số 120/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Kể từ ngày 1/7/2022 , mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, Nghị định số 20/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Nghị định số 20/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba.
Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba tương tự như chi phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường và phù hợp với đối tượng phải mua bảo hiểm là nhà thầu thi công xây dựng công trình. Do vậy, Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 3 như sau: Đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba và phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Nghị định số 20/2022/NĐ-CP, thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, Nghị định số 20/2022/NĐ-CP bổ sung khoản 4 Điều 10 về số tiền bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba tối thiểu như sau:
- Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phi pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phi pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
- Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Quy định mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, về việc đầu tư hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Do đó, khu công nghiệp được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành: Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP cũng hoàn thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy, quy mô khu công nghiệp, năng lực của nhà đầu tư và một số điều kiện khác) trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và căn cứ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư nhằm đảm bảo sự phù hợp với đặc thù của dự án hạ tầng khu công nghiệp.
Cũng theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, các điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ bao gồm:
- Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh;
- Thời gian hoạt động kể từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc một phần hai (1/2) thời hạn hoạt động của khu công nghiệp;
- Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên hai phần ba (2/3) số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển đổi, trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường.
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn và chứng từ.
Theo đó, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:
- Trước ngày 11/7/2022, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP), đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1, Điều 11 Thông tư số 78/2021/TT-BTC).
- Từ 1/7/2022, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo công chức ngành hải quan từ ngày 18/7/2022
Từ 18/7/2022, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng các ngạch công chức chuyên ngành hải quan được thực hiện theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cụ thể, tiêu chuẩn trình độ với Kiểm tra viên cao cấp hải quan:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư số 77/2019/TT-BTC thì Thông tư số 29/2022/TT-BTC đã bỏ trình độ cử nhân chính trị; bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp; không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Đối với kiểm tra viên chính hải quan, tiêu chuẩn trình độ như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư số 77/2019/TT-BTC thì Thông tư số 29/2022/TT-BTC, bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính có thể thay thế chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương; không còn quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
KHÁNH VÂN