Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022
Đăng ngày 16-09-2022 14:25, Lượt xem: 69

Áp dụng chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT từ ngày 10/9/2022; Quy định mới về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; Điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THPT; 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT; Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022.

Áp dụng chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT từ ngày 10/9/2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông.

Theo đó, từ ngày 10/9/2022, chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10; Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 11; Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 12.

Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn. Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương.

Cũng theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT, thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.

Quy định mới về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Có hiệu lực từ 10/9/2022, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Theo đó, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (gọi là Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam) với cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài (gọi là Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài) thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết để thực hiện một trong những việc: đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT nêu rõ, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng sau:

- Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh; không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam; đề thi mẫu được công bố để thí sinh tiếp cận dễ dàng, đầy đủ.

- Bảng quy đổi kết quả thi với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) được cơ quan quy định công nhận;

- Kết quả thi được công bố kịp thời, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ được cấp đúng thời gian quy định, thủ tục cấp thêm chứng chỉ và việc tra cứu kết quả thi thuận lợi đối với thí sinh; kết quả thi được lưu trên hệ thống dữ liệu để phục vụ việc xác thực kết quả của bài thi trong thời hạn kết quả thi còn hiệu lực; quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về kết quả thi rõ ràng, thuận lợi cho thí sinh; có biện pháp hiệu quả để bảo mật thông tin nhận dạng cá nhân.

Cũng theo Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, phải công bố công khai và cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các đơn vị được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các đơn vị vi phạm, các đơn vị bị đình chỉ liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài;

Điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT quy định về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Theo đó, từ ngày 10/9/2022, Trung tâm GDTX tổ chức thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình như sau:

- Về cán bộ quản lí: Giám đốc, Phó giám đốc trung tâm GDTX phụ trách Chương trình GDTX cấp THPT phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; được bồi dưỡng, tập huấn về quản lí giáo dục và Chương trình GDTX cấp THPT.

- Về đội ngũ giáo viên

+ Căn cứ quy định của Bộ GDĐT về định mức giáo viên trong các cơ sở GDPT công lập và số lượng người học tại các trung tâm GDTX để bố trí đủ số lượng giáo viên đảm bảo để dạy các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình GDTX cấp THPT cho phù hợp.

+ Về số lượng và cơ cấu giáo viên: Tối thiểu mỗi môn học có ít nhất 01 giáo viên cơ hữu đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn và các môn học tự chọn (nếu có). Riêng môn Toán và môn Ngữ văn có ít nhất từ 2 giáo viên cơ hữu trở lên.

+ 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn tương ứng với cấp THPT theo đúng quy định tại Luật Giáo dục 2019.

+ Giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cấp THPT và Chương trình GDTX cấp THPT.

6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT

Theo Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP, 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng gồm:

- Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

- Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.

- Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có). Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hơp đồng nhận chuyển nhượng.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

- Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.

Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 42/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo đó, đối với Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết liên tịch, Nghị định của Chính phủ, trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi sẽ là 11 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 7,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản như hiện nay. Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi sẽ 6,5 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 4,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản.

Đối với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Văn bản ban hành mới hoặc thay thế, mức chi tăng từ 6 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 9 triệu đồng/dự thảo văn bản; Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.

Đối với Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.

Đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Mức chi cho văn bản ban hành mới hoặc thay thế tăng từ 3,2 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 4,8 triệu đồng/dự thảo văn bản,

Theo Thông tư 42/2022/TT-BTC, đối với Tờ trình đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mức chi 10 triệu đồng/tờ trình; Đối với Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ: mức chi 6 triệu đồng/tờ trình.

Thông tư số 42/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/9/2022.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT