Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 01/2023
Đăng ngày 19-01-2023 15:12, Lượt xem: 169

Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5,0%/năm; Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA; Lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước; Trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn; Thay đổi quy định về quản lý phân bón…. là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 01/2023.

Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5,0%/năm

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 về mức lãi suất của ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN và Thông tư 25/2016/TT-NHNN là 5,0%/năm. Như vậy, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở tăng 0,2% so với mức lãi suất quy định tại Quyết định 1956/QĐ-NHNN năm 2021.

Các ngân hàng cho vay áp dụng mức lãi suất nêu trên bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long và các ngân hàng thương mại cổ phần khác do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2022/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len giai đoạn 2022-2027.

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Được nhập khẩu vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

- Có chứng từ vận tải (bản chụp) thể hiện đích đến là Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Có tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan của lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhập khẩu vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bản chụp) theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các chứng từ nêu trên nếu không phải bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.

Nghị định số 117/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 và thay thế Nghị định số 53/2021/NĐ-CP .

Lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước

Từ ngày 17/1/2023, việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Thông tư số 16/2022/TT-NHNN quy định các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; trái phiếu chính quyền địa phương được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ; trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng không được kiểm soát đặc biệt và doanh nghiệp khác; các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo Thông tư số 15/2022/TT-NHNN, trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Trái phiếu đặc biệt thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng, đang được lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

- Không phải là trái phiếu đặc biệt đang trong quá trình thanh toán.

- Không trong bảng kê trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản).

- Tại ngày tổ chức tín dụng lập Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn và ngày tổ chức tín dụng cập nhật Bảng kê trái phiếu đặc biệt theo quy định, thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt dài hơn thời hạn đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn tối thiểu 6 tháng.

Cũng theo Thông tư số 15/2022/TT-NHNN, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất gia hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt là lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP tại thời điểm khoản tái cấp vốn được giải ngân, gia hạn. Lãi suất đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn của khoản tái cấp vốn tại thời điểm khoản tái cấp vốn chuyển quá hạn. Ngân hàng Nhà nước không áp dụng lãi suất đối với nợ lãi chậm trả của khoản tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.

Thời hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước quyết định, dưới 12 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn. Thời gian gia hạn tái cấp vốn mỗi lần do Ngân hàng Nhà nước quyết định, không vượt quá thời hạn tái cấp vốn và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong Bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở gia hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng.

Thông tư số 15/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/1/2023.

Thay đổi quy định về quản lý phân bón

Theo quy định tại Nghị định số 130/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã có một số nội dung thay đổi như sau:

- Bãi bỏ yêu cầu nộp Bản sao chứng thực Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

- Thủ tục cấp lại trong trường hợp thay đổi nội dung thông tin tổ chức, cá nhân ghi trên Giấy chứng nhậnđủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón cũng bỏ yêu cầu nộp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã được sửa đổi.

- Các mẫu số 07, 08 Phụ lục I của Nghị định 84/2019/NĐ-CP cũng bị thay thế bằng Phụ lục I, II ban hành theo Nghị định số 130/2022/NĐ-CP.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT