Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2023
Đăng ngày 13-04-2023 17:57, Lượt xem: 321

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Tỷ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong cơ sở khám, chữa bệnh; Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Toà án; Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2023.

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Từ ngày 27/4/2023, việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo Thông tư số 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đó, Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng đồng thời 02 tiêu chí sau:

- Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá.

- Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.

Bên cạnh đó, Thông tư số 06/2023/TT-BYT cũng sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo một trong các thông tin tài liệu sau đây để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền:

- Giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).

Trường hợp chưa được công bố trên Trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) thì căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

Tỷ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong cơ sở khám, chữa bệnh

Theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp (CDNN) trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, từ ngày 05/4/2023, tỷ lệ cơ cấu viên chức theo CDNN tại cơ sở khám, chữa bệnh quy định như sau:

- Nhóm CDNN chuyên ngành y tế và liên quan: Bác sĩ: 20 - 22%; Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y: 50 - 52%; Dược, Trang thiết bị y tế: 5 - 7%; Nhóm CDNN chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác): 1 - 3%.

- Nhóm CDNN chuyên môn dùng chung: 10 - 15%.

- Nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động): 5 - 10%.

- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với CDNN không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi CDNN cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.

- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Có hiệu lực từ ngày 01/4/2023, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng. Trong đó có một số quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai so với Thông tư số 07/2015/TT-NHNN, như sau:

- Bổ sung khái niệm “Bảo lãnh nhà ở trong tương lai”: Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên mua, bên thuê mua (sau đây gọi là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký.

Trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng, bên bảo lãnh đối ứng cam kết với ngân hàng thương mại về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng thương mại khi ngân hàng thương mại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận đã ký.

- Bổ sung khái niệm “Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai”: Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là thỏa thuận cấp bảo lãnh giữa ngân hàng thương mại với chủ đầu tư và các bên liên quan khác (nếu có) về việc ngân hàng thương mại chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

- Sửa đổi điều kiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của ngân hàng thương mại. Theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi: trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;  Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Toà án

Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC ngày 9/3/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo đó, Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cụ thể, Điều 3 Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...

Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Ví dụ: Già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.

Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2023.

Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.

Theo đó, quy định về tổ chức lớp học trong trường chuyên như sau:

- Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học (sau đây gọi chung là lớp chuyên).

- Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

- Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.

- Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.

Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2023 và thay thế Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT