Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023
Đăng ngày 20-07-2023 11:34, Lượt xem: 71

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023; Quy định mới về tinh giản biên chế; Quy định mới về vị trí việc làm công chức chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023.

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng: cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; Cán bộ, công chức cấp xã; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ;  Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Nghị định số 24/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Quy định mới về tinh giản biên chế

Có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP có 3 nhóm đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm; Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy;  Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Về thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết chính sách tinh giản biên chế, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP giao trách nhiệm cho người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xem xét, phê duyệt và quyết định thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quy định mới về vị trí việc làm công chức chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được nêu rõ tại Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL gồm 30 vị trí.Trong đó, 12 vị trí thuộc lĩnh vực văn hóa (Chuyên viên cao cấp/ chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý di sản văn hóa, chuyên viên cao cấp/ chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý bản quyền tác giả…); 3 vị trí thuộc lĩnh vực gia đình (Chuyên viên cao cấp/ chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý lĩnh vực gia đình); 6 vị trí thuộc lĩnh vực thể dục, thể thao (Chuyên viên cao cấp/chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý thể dục thể thao cho mọi người, chuyên viên cao cấp/chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp); 9 vị trí thuộc lĩnh vực du lịch (Chuyên viên cao cấp/chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý lữ hành, chuyên viên cao cấp/chuyên viên chính/ chuyên viên về quản lý lưu trú du lịch…).

Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL cũng nêu rõ mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

Trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định. Đối với trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2023.

Các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan

Từ ngày 15/7/2023, quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo Thông tư số 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cụ thể, người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

- Người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

- Hàng hóa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

- Hàng hóa quy định theo danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư số 33/2023/TT-BTC hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

- Hàng hóa thuộc danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT