Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024
Đăng ngày 06-09-2024 16:00, Lượt xem: 17

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị; Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên; Hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 01/12/2024 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024. Đây là chính sách góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 83/2024/NĐ-CP của Chính phủ trong đó sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, từ ngày 01/9/2024, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ được thực hiện như sau: Chi cục có từ 01 đến 03 phòng được bố trí 01 cấp phó; có từ 04 phòng trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó; Chi cục không có phòng được bố trí không quá 02 cấp phó.

Ngoài ra, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Đơn vị quy định tại điểm a khoản 1 của Nghị định số 83/2024/NĐ-CP (trừ các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ), khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định này có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.

- Đơn vị quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định số 83/2024/NĐ-CP được bố trí không quá 02 cấp phó. Đối với bệnh viện hạng I trở lên; đơn vị sự nghiệp y tế làm nhiệm vụ kiểm soát và phòng chống bệnh tật tuyến tỉnh hạng I trở lên; trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá 03 cấp phó.

Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là quyết định quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.

Theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (khách hàng); Điều kiện vay vốn là khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Đồng thời, phương thức cho vay là Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

Cũng theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg, mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/01 loại công trình/khách hàng; Lãi suất cho vay 9,0%/năm; Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 05 năm (60 tháng).

Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 2/9/2024.

Quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên

Có hiệu lực từ ngày 01/9/2024, Nghị định số 89/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định số 89/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc thực hiện chuyển đổi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trên cơ sở kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật. Đồng thời, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác.

Ngoài ra, Nghị định số 89/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chuyển đổi công ty nhà nước do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trình tự, thủ tục chuyển đổi như sau: Công ty nhà nước xây dựng Đề án chuyển đổi theo các nội dung quy định; Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho công ty nhà nước. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho công ty nhà nước và nêu rõ lý do.

Hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BNV hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ.

Theo đó, Thông tư số 09/2024/TT-BNV áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 02 lĩnh vực lưu trữ: Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Đồng thời, số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư số 09/2024/TT-BNV như sau:

- Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương: số lượng người làm việc tối thiểu là 24 người, tối đa là 90 người.

- Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh: số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người. Số lượng người làm việc tối đa đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 30 người, đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc tỉnh là 22 người.

Bên cạnh đó, Thông tư số 09/2024/TT-BNV cũng quy định tiêu chí xác định số lượng người làm việc tăng thêm so với số lượng người làm việc tối thiểu bao gồm:

- Đối với tài liệu lưu trữ giấy: số lượng tài liệu lưu trữ từ 2.000 mét giá tài liệu trở lên thì cứ 300 mét giá tài liệu được bố trí thêm 01 người.

- Đối với tài liệu lưu trữ điện tử: Dung lượng tài liệu lưu trữ điện tử: mỗi 1.000.000 megabyte thì bố trí 01 người;  Số lượng tài liệu ghi âm, ghi hình: mỗi 500 giờ nghe, giờ xem thì bố trí 01 người.

- Đối với tài liệu lưu trữ Mộc bản: từ 15.000 tấm trở lên thì cứ 1.500 tấm bố trí thêm 01 người.

- Đối với Lưu trữ lịch sử có kho lưu trữ chuyên dụng được bố trí thêm tối đa 03 người.

Thông tư số 09/2024/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT