Chính sách mới về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2016
Nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; Phạt đến 15 triệu khi chậm đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp; Xử lý vi phạm khi kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất; Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng hợp tác xã nông nghiệp; Yêu cầu khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng là những chính sách mới về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 7/2016.
Nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-TTg quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu bao gồm:
 
- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức.
 
- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm thiết bị Điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.
 
- Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài.
 
- Nhập khẩu sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng.
 
- Tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa.
 
- Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.
 
Phạt đến 15 triệu khi chậm đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận doanh nghiệp
 
Đây là nội dung nổi bật  quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
 
Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm buộc phải đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định với hành vi nêu trên.
 
Ngoài ra, Nghị định này còn có những quy định đáng chú ý khác, như là:
 
- Phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu không đăng ký thay đổi với với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
 
- Hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; đồng thời buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
 
- Mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức là 80 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
 
Nghị định số 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2016.
 
Xử lý vi phạm khi kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
 
Nội dung này được đề cập tại Thông tư số 46/2015/TT-BCT quy định kiểm tra về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
 
Theo đó, trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất vi phạm thì xử lý như sau:
 
- Đoàn kiểm tra lập biên bản, yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn quy định ghi rõ trong biên bản.
 
- Trong thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục, cơ sở sản xuất không được phép đưa sản phẩm không phù hợp ra lưu thông trên thị trường.
 
- Cơ sở sản xuất chỉ được đưa sản phẩm ra lưu thông sau khi đã khắc phục theo đúng các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
 
- Sau khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra mà cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì thực hiện thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất, tên sản phẩm không phù hợp và mức độ không phù hợp.
 
- Sau khi có thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Yêu cầu khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
 
Từ ngày 01/7/2016, Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN  của Bộ Khoa học công nghệ chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định các yêu cầu khi nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng như sau:
 
- Doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp.
 
- Thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
 
- Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm.
 
- Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
 
Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng hợp tác xã nông nghiệp
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp.
 
Điều kiện xét hỗ trợ là hợp tác xã nông nghiệp thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13; Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã nông nghiệp phải đảm bảo: Công trình kết cấu hạ tầng đề nghị hỗ trợ phù hợp với nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp, phù hợp với các quy hoạch liên quan, có phương án khai thác, duy tu, bảo dưỡng và kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với công trình kết cấu hạ tầng xin hỗ trợ… Về điều kiện ưu tiên, Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT nêu rõ, hợp tác xã nông nghiệp được xét hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo thứ tự ưu tiên như sau: có hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp có giá trị tối thiểu 300 triệu đồng/năm; tổ chức cho các thành viên sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến hoặc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Đối với hỗ trợ về xưởng sơ chế, chế biến, phải đảm bảo tiêu chí trong thời gian 3 năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, hợp tác xã nông nghiệp phải có ít nhất 1 năm đạt tổng doanh thu tối thiểu là 1 tỷ đồng/năm. Riêng đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn phải đảm bảo công suất một ngày đêm của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do hợp tác xã đề nghị hỗ trợ phải đạt tối thiểu 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm.
 
Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT này có hiệu lực thi hành từ 25/7/2016.
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT