Chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 6/2016
Hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở với người lao động; Tăng trợ cấp đặc thù cho công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy; Quy định mới về mức lương hưu hàng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân; Chính sách mới về trợ cấp đối với quân nhân là những chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực trong tháng 6/2016.
Hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở với người lao động
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2016/QĐ-TTg về áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 20/6/2016, áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2018.
Hệ số điều chỉnh nêu trên không áp dụng với thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Thời gian đi học tập trung trong nước từ 3 tháng liên tục trở lên; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam và thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tăng trợ cấp đặc thù cho công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy
Theo Nghị định số 26/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy ngoài được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng còn được phụ cấp ưu đãi về y tế với các mức từ 30% đến 70%; được phụ cấp về ưu đãi giáo dục từ 25% đến 50% trên mức lương theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và được áp dụng đối với công chức, viên chức làm việc theo chức danh; tiêu chuẩn, nội dung công việc và địa bàn làm việc.
Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một loại phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức phụ cấp ưu đãi cao nhất.
Cũng theo Nghị định số 26/2016/NĐ-CP, thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề được thực hiện như sau: thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP; thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức; thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn từ 1 tháng trở lên; thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn liên tục từ 1 tháng trở lên.
Nghị định số 26/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/6/2016.
Quy định mới về mức lương hưu hàng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
Theo đó, từ ngày 26/6/2016, mức lương hưu hằng tháng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí… được tính bằng tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó, tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng đối với người bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018 được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% với nam, 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định, không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, nếu có yêu cầu sẽ được hưởng BHXH một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, lần lượt bằng 1,5 và hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và từ năm 2014 trở đi.
Chính sách mới về trợ cấp đối với quân nhân
Từ ngày 01/6/2016, Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được trợ cấp 3 triệu đồng/suất/lần nếu gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế (không quá hai lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ);
Khi ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ bảy ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần (không quá hai lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ);
Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2 triệu đồng/người .
KHÁNH VÂN