Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2016
Quy định mới về tốc độ chạy xe khi tham gia giao thông; Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện; Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND; Thương nhân vùng khó khăn được vay ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đến 50 triệu đồng; Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; Điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2016.
Quy định mới về tốc độ chạy xe khi tham gia giao thông
 
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT, theo đó, từ ngày 01/03/2016, tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.
 
Như vậy việc xác định tốc độ chạy xe trong khu đông dân cư sẽ phụ thuộc vào loại đường xe chạy mà không phụ thuộc vào loại xe như quy định trước đây.
 
Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h; 70km/h và 60km/h…
 
Đối với xe máy khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ nhưng không quá 40km/h.
 
Trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô, xe máy phải tuân thủ tốc độ tối đa không quá 120km/h.
 
Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện
 
Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc,  phí của hơn 1.900 loại dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ chính thức được điều chỉnh tăng. 
 
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT gồm: giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật. Mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 1/3.
 
Theo đó, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá được áp dụng là 20.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 15.000 đồng/lượt; hạng III là 10.000 đồng/lượt và hạng IV là 7.000 đồng/lượt. Trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chỉ khi mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) thì mức giá là 200.000 đồng/lượt.
 
Tăng 30% là do tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Riêng 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt TP HCM, Nội tiết, Phụ sản Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương tính luôn cả lương bác sĩ nên mức tăng tương đương 50%.
 
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân: Áp dụng giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị theo mức giá của một trong các hạng bệnh viện quy định tại Phụ lục I, II của Thông tư liên tịch này.
 
Các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quy định trên sẽ được thống nhất áp dụng mức giá quy định tại Phụ lục III Thông tư liên tịch này.
 
Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn được thanh toán một lần khám bệnh.
 
Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
 
Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
 
Theo đó, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
 
Đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND.
 
Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.
 
Phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
 
Nghị định số 08/2016/NĐ-CP  có hiệu lực từ 10/3/2016, 
 
Điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng
 
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BTC hướng dẫn Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Theo đó, thẩm quyền điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại tổ chức, cơ quan, đơn vị được thực hiện như sau:
 
Đối với nhu cầu phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá mua cao hơn không quá 10% so với quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58/2015/QĐ-TTg  thì thẩm quyền xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định thuộc: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
 
Trường hợp phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá cao hơn từ trên 10% đến không quá 20% so với mức giá tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58/2015/QĐ-TTg thì Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
 
Thông tư số 19/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/3/2016 và thay thế Thông tư số 94/2006/TT-BTC.75
 
Thương nhân vùng khó khăn được vay NHCSXH đến 50 triệu đồng
 
Theo quy định mới tại Quyết định số 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/3/2016, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được vay tối đa 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (hiện nay theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 thương nhân chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng).
 
Quyết định số 307/QĐ-TTg cũng nêu rõ, thương nhân vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
 
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
 
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/1/2016  hướng dẫn một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. 
 
Theo đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
 
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (x) Diện tích (x) Giá của loại đất trồng lúa.
 
Trong đó, tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.
 
Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
 
Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
 
Thông tư số 18/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 7/3/2016.
 
KHÁNH VÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT