Tham gia góp ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí thành phố đáng sống đến năm 2030
Đăng ngày 21-11-2019 08:29, Lượt xem: 693

“Xem người dân là đối tượng hưởng lợi là mục tiêu phục vụ”, đó là quan điểm xuyên suốt của Bộ tiêu chí xây dựng “thành phố đáng sống” đến năm 2030 đang được UBND thành phố chỉ đạo soạn thảo. Sáng ngày 21-11, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia đóng góp nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chí này.

Dự thảo Bộ tiêu chí “thành phố đáng sống” được Sở Văn hóa và Thể thao và Viện nghiên cứu phát triển KTXH thành phố tiến hành nghiên cứu thực hiện từ tháng 2/2019 đến nay, trên cơ sở tổ chức khảo sát điều tra xã hội học, tiếp cận và sử dụng các phương pháp nghiên cứu, đánh giá, lý luận của nhiều bộ tiêu chí trên thế giới, học tập kinh nghiệm từ thực tiễn của các thành phố lớn trong nước. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và hình thành dự thảo khung đánh giá bộ chỉ số cụ thể , với các thước đo phù hợp  gồm 6 nhóm lĩnh vực với 60 tiêu chí thành phần bao gồm: Các tiêu chí về thành phố an toàn, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính; kinh tế; chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội; không gian đô thị và môi trường; hướng đến phát triển bền vững.  
Với quan điểm đầu tiên, tập trung nhất, xem người dân là đối tượng hưởng lợi, là mục tiêu phục vụ, các tiêu chí trong Bộ tiêu chí này là sự tổng hợp toàn diện trên các chiều cạnh của cuộc sống con người, từ đảm bảo chất lượng cuộc sống, thịnh vượng, bình đẳng và bao trùm trong tiếp cận dịch vụ và các cơ hội việc làm, sự an toàn, bền vững, khả năng chống chịu và thích ứng.

Tham gia hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của thành phố đóng góp nhiều ý kiến vào Bộ tiêu chí về cả kỹ thuật, phương pháp, nội dung, định lượng hóa của từng tiêu chí cụ thể.

Các ý kiến đều yêu cầu Bộ tiêu chí cần bám sát những định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng; quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; cần có những tiêu chí thể hiện rõ hơn chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mức thụ hưởng các tiện ích của người dân được nâng cao  và có tầm nhìn chiến lược phù hợp. Không chỉ quan tâm tiêu chí bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường một cách chung chung, có ý kiến đề nghị tiêu chí cụ thể giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng… Không chỉ là số lượng trường lớp, cơ sở đào tạo đạt chuẩn  mà phải là chất lượng đào tạo thông qua tiêu chí về  tỷ lệ học sinh  tốt nghiệp, số sinh viên ra trường có việc làm; không chỉ là số bệnh viên, số bác sĩ mà phải là chất lượng phương tiện khám chữa bệnh; Không chỉ là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân mà còn phải là các công cụ, hạ tầng cho phép người dân tiếp cận dịch vụ công một cách thuận lợi nhất; không chỉ là tỷ lệ về sự hài lòng đối với các dịch vụ công mà còn là tỷ lệ người dân tham gia quá trình soạn thảo, giám sát các chính sách xã hộ;  không chỉ là tiêu chí về tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch, sử dụng điện mà phải là các tiêu chí về sử dụng nước đạt chuẩn an toàn ...

“Thành phố đáng sống” được hiểu với ý nghĩa là một thành phố dành cho tất cả mọi người, là thành phố phát triển bền vững, là nơi người dân có điều kiện sinh sống làm việc và hưởng thụ các tiện ích thoải mái, chất lượng cao. Đó cũng là kỳ vọng của người dân thành phố Đà Nẵng, là định hướng phấn đấu và kiên trì thực hiện.  

  LÊ HOA

     

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT