Theo quy chế, đối tượng áp dụng là Người có dấu hiệu bị loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội là người trong trạng thái thần kinh bị rối loạn, bị kích động, có hành vi tự sát hoặc đập phá, hủy hoại tài sản công cộng, dùng hung khí đe dọa hoặc trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, người này có thể nghiện ma túy hoặc vừa nhiễm HIV/AIDS vừa nghiện ma túy (sau đây viết tắt là bệnh nhân).
Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng là cơ sở y tế tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân là (sau đây viết tắt là bệnh viện).
Việc tiếp nhận bệnh nhân vào cơ sở y tế từ sự tự nguyện của bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân,đúng quy trình, thủ tục nhằm kịp thời ngăn ngừacác hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng thời nghiêm cấm các hành vi xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm củabệnh nhân trong thời gian được tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế.
Thời gian quản lý, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở y tế kể từ khi tiếp nhận cho đến khi bệnh nhân ổn định, chấm dứt tình trạng loạn thần.
Theo quy định, Quy trình phối hợp tổ chức tiếp nhận bệnh nhân và đưa bệnh nhân về lại gia đình,cộng đồng cụ thể như sau: Trong thời gian 1 ngày kể từ khi phát hiện người có dấu hiệu loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội thì cơ quan Công an xã, phường phối hợp với Trạm Y tế tiến hành lập biên bản vụ việc, hướng dẫn thân nhân gia đình bệnh nhân (trường hợp bệnh nhân không có thân nhân gia đình thì hướng dẫn Tổ trưởng tổ dân phố/Thôn trưởng) viết đơn đề nghị tiếp nhận bệnh nhân vào cơ sở y tế theo mẫu và báo cáo Chủ tịch UBND xã, phường. Chủ tịch UBND xã, phường xem xét, có văn bản đề nghị bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân, đưa vào điều trị; đồng thời Công an xã, phường phối hợp với Trạm Y tế cùng thân nhân gia đình (trường hợp bệnh nhân không có thân nhân gia đình thì phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố/Thôn trưởng) chuyển bệnh nhân vào bệnh viện, lập biên bản giao nhận để thăm khám, chẩn đoán, sàng lọc và điều trị.
Bệnh viện có trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân, đồng thời tiến hành ngay việc thăm khám, chẩn đoán, sàng lọc, xác định đúng đối tượng, lập hồ sơ bệnh án và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Giám đốc bệnh viện trên cơ sở kết quả thăm khám, sàng lọc ban đầu và văn bản đề nghị tiếp nhận bệnh nhân của Chủ tịch UBND xã, phường có trách nhiệm tổ chức, quản lý, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Trường hợp qua thăm khám, xác định đối tượng không bị loạn thần thì bệnh viện đề nghị cơ quan Công an lập biên bản vụ việc và Chủ tịch UBND xã, phường nơi đề nghị tiếp nhận bệnh nhân đưa đối tượng về lại gia đình; đồng thời, các cơ quan chức năng tiến hành xem xét xử lý hành vi vi phạm của đối tượng theo quy định của pháp luật.
Khi bệnh nhân được điều trị, chăm sóc ổn định, chấm dứt tình trạng loạn thần thì bác sĩ điều trị đề nghị Giám đốc bệnh viện xem xét cho bệnh nhân ra viện; đồng thời, bệnh viện thông báo cho thân nhân gia đình bệnh nhân và UBND xã, phường nơi bệnh nhân về cư trú đến nhận và lập biên bản bàn giao bệnh nhân về lại gia đình, cộng đồng.
Sau khi bệnh nhân về địa phương, UBND xã, phường giao cho Trạm Y tế phối hợp với gia đình bệnh nhân tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì (nếu có) và hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân ổn định cuộc sống.
Trường hợp bệnh nhân là trẻ em, người già yếu, người tàn tật, người không còn sức lao động mà không có thân nhân gia đình, không có nơi cư trú thì đề xuất cơ quan chức năng đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc lâu dài.
HIỀN TRANG