Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2021
Đăng ngày 11-06-2021 14:57, Lượt xem: 751

Hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Quy định về đấu đấu giá, chuyển nhượng kho số viễn thông, tên miền Internet; Quy định mới về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm phải thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 6/2021.

Hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Có hiệu lực từ ngày 01/6/2021, Thông tư số 26/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty Cổ phần. 

Theo đó, Công ty Cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành và hạch toán theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính (gọi tắt là chế độ kế toán doanh nghiệp) cho các hoạt động phát sinh từ thời điểm chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần.

Thông tư số 26/2021/TT-BTC cũng quy định rõ, thời điểm lập báo cáo căn cứ vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phải lập báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp tại 2 thời điểm: thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập sau khi đã hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến xử lý tài chính để xác định giá trị đơn vị theo quy định; tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu) sau khi đã hạch toán kết quả xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định làm căn cứ bàn giao sang công ty cổ phần.

Đồng thời, đơn vị thực hiện lập báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp theo các bước sau: Thực hiện các bước khóa sổ kế toán theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; lập báo cáo tình hình tài chính theo mẫu B01/BCTC quy định tại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; phân tích các số liệu chi tiết căn cứ sổ sách kế toán, văn bản xác định lại giá trị tài sản để chuyển đổi, hồ sơ về kết quả xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập và các tài liệu có liên quan khác; lập bảng chuyển đổi số liệu theo quy định tại Thông tư này; căn cứ số liệu trên Bảng chuyển đổi số liệu và hướng dẫn lập các chỉ tiêu chi tiết trên Báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp thực hiện tổng hợp các chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 “Báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp” kèm theo Thông tư này.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi là đơn vị kế toán cấp trên phải tổng hợp số liệu từ tất cả các đơn vị cấp dưới trực thuộc lập Báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp (tổng hợp) tại thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập và tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Quy định về đấu đấu giá, chuyển nhượng kho số viễn thông, tên miền Internet.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg quy định về về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền internet.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông, tổ chức được phép sử dụng kho số viễn thông; tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông; tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan tới hoạt động đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền internet.

Kho số viễn thông đấu giá quyền sử dụng được xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh mục kho số viễn thông được đấu giá theo từng thời kỳ căn cứ vào quy hoạch kho số viễn thông và tình hình thực tế của thị trường viễn thông Việt Nam.

Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg cũng quy định không được phép chuyển nhượng tên miền internet đối với tên miền được ưu tiên bảo vệ, bao gồm tên miền là tên gọi của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tên miền khác liên quan đến lợi ích, an ninh chủ quyền quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; tên miền internet đang xử lý vi phạm, đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại hoặc đang bị tạm ngừng sử dụng.

Tên miền internet được đấu giá, bao gồm: Các tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không dấu cấp 2 dùng riêng có 1 ký tự (là tên miền cấp 2 dưới “.vn” được lập nên từ 1 ký tự trong số 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và 10 số tự nhiên từ 0 - 9); các tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không dấu cấp 2 dùng riêng có 2 ký tự (là tên miền cấp 2 dưới “.vn” được lập nên từ 2 ký tự trong số 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và 10 số tự nhiên từ 0 - 9).

Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và thay thế Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy định mới về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam 

Theo Nghị định số 46/2021/NĐ-CP  ngày 31/3/2021 quy định về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam,  nguyên tắc quản lý tài chính Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện như sau:

Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định của pháp luật và Nghị định này; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm) và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ngân hàng Phát triển được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn theo quy định của pháp luật; được tham gia thị trường liên ngân hàng, tham gia thị trường mở, tổ chức thanh toán nội bộ, cung cấp các dịch vụ thanh toán, các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng, thực hiện hoạt động ngoại hối; được tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động cho vay khác: ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý; các khoản thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động phát sinh được hòa nhập chung với kết quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển theo quy định tại Nghị định này.

Cũng theo Nghị định số 46/2021/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển thực hiện hạch toán thu nhập, chi phí theo phương pháp kế toán thực thu - thực chi (riêng đối với các khoản thu cấp bù lãi suất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định này và thu phí quản lý do ngân sách nhà nước cấp, Ngân hàng Phát triển hạch toán dự thu; đối với quỹ lương còn lại chưa chi hết trong năm, Ngân hàng Phát triển hạch toán dự chi). Ngân hàng Phát triển chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và tính chính xác, trung thực của các khoản thu, chi; thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán; trong thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển phải thực hiện hạch toán theo phương pháp kế toán dồn tích; Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kế toán do Bộ Tài chính hướng dẫn. Công tác thống kê của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật; năm tài chính của Ngân hàng Phát triển bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

Đồng thời, Nghị định số 46/2021/NĐ-CP cũng quy định Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ, công bố kết quả hoạt động tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về số liệu đã công bố; báo cáo tài chính hằng năm của Ngân hàng Phát triển được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập; Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Ngân hàng Phát triển theo kế hoạch của Kiểm toán nhà nước.
Nghị định số 46/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2021.

Trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm phải thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Nghị định số 23/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).

- Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành.

- Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.

- Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định số 23/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm phải đáp ứng điều kiện sau:

- Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm (36 tháng) trở lên.

- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;  Không thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm.

- Có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 02 năm (24 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau: Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp; Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản; Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép; Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt; Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp; Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép nêu trên.

MINH ANH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác