Siêu thị 0 đồng cho người nghèo giữa mùa dịch
Đăng ngày 28-04-2020 15:46, Lượt xem: 1723

Các nhu yếu phẩm: thịt gà, trứng, sữa, dầu ăn, nước mắm, muối, xì dầu,... đều được bán với giá 0 đồng. Người dân sau khi nhận gạo miễn phí sẽ được đến chọn mua 2 mặt hàng trên kệ của Siêu thị 0 đồng. Chương trình hoạt động từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và sự sẻ chia, đóng góp của các thành viên trong Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu. Tất cả đều mong muốn mang đến cho người dân bữa cơm ngon hơn, đủ đầy hơn giữa muôn vàn khó khăn trong mùa dịch.

Từ sáng sớm, đã có rất đông người nghèo, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 xếp hàng chờ đến lượt vào nhận gạo tại máy ATM và nhận thêm các nhu yếu phẩm tại Siêu thị 0 đồng. Máy ATM gạo và Siêu thị 0 đồng được đặt tại Nhà văn hóa phường Bình Thuận (230 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Chương trình do Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu phối hợp cùng UBND quận Hải Châu và Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức.


Tất cả các nhu yếu phẩm đều được bán với giá 0 đồng

Tại đây, mỗi cá nhân sẽ được nhận 2kg gạo. Sau khi nhận gạo, người dân được các tình nguyện viên hướng dẫn sang khu vực Siêu thị 0 đồng để nhận thêm các nhu yếu phẩm: thịt gà, trứng gà, dầu ăn, xì dầu, nước mắm, muối, sữa, mì tôm,… Mỗi người dân được chọn 2 món hàng bất kì trên các kệ hàng của Siêu thị 0 đồng.

Được nhận thêm trứng và xì dầu sau khi nhận gạo, bà Tâm Thị Mộc Mê (68 tuổi, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) bộc bạch: “Đây là lần thứ 2 bà đến nhận gạo tại máy, hôm nay bà được cho thêm trứng và xì dầu. Nhờ có mọi người giúp đỡ nên bà bớt được tiền chợ, tiền ăn. Cảm ơn mọi người rất nhiều".


Mỗi người dân được chọn 2 món hàng bất kì trên các kệ hàng của Siêu thị 0 đồng

Từ Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), đến máy ATM gạo để nhận hỗ trợ, chú Trần Chu (75 tuổi) chia sẻ: “Bình thường chú đi làm bảo vệ nhưng do dịch Covid-19, hàng quán đóng cửa nên chú cũng bị mất việc, không có thu nhập. Chú cũng lớn tuổi nên xin việc rất khó. Hôm nay qua đây nhận gạo, được mọi người tặng thêm thịt gà và dầu ăn. Chú rất cảm ơn các tổ chức đã quan tâm, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn như chú”.


Nhiều người lao động nghèo vui mừng khi được hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm cho bữa ăn hàng ngày

Bà Huỳnh Thị Cúc – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu cho biết: “Khi đặt máy ATM gạo tại đây, chúng tôi đều có chung suy nghĩ rằng nếu chỉ nhận gạo không thì người dân phải tốn thêm chi phí để mua thực phẩm, thức ăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều người dân bị mất việc, nghỉ việc không lương. Vì vậy, các thành viên trong Hội Doanh nhân trẻ của quận đưa ra sáng kiến tổ chức Siêu thị 0 đồng để hỗ trợ thêm thực phẩm cho bà con, giúp bữa cơm mọi người được đầy đủ hơn”.


Ban tổ chức mang gạo và nhu yếu phẩm trao tận tay các cụ già và người khuyết tật

Bà Cúc cho biết thêm, ATM gạo tại quận Hải Châu là ATM gạo thứ 3 trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày, có khoảng một ngàn người dân đến nhận gạo tại máy. Hiện tại, số tiền ủng hộ chương trình khoảng 200 triệu đồng. Ban tổ chức đã chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cùng 20 tấn gạo. Mỗi ngày, chương trình phát khoảng 1000 suất gạo. Riêng siêu thị 0 đồng hoạt động 2 ngày/tuần, dự kiến mỗi ngày có khoảng 1000 lượt người dân nhận nhu yếu phẩm.


Người dân khi đến nhận gạo và các nhu yếu phẩm sẽ được sát khuẩn tay...

Để đảm bảo an ninh và bảo vệ sức khỏe người dân, Ban tổ chức chương trình bố trí các tình nguyện viên, công an, Tổ cơ động trực thường xuyên để hướng dẫn người dân xếp hàng vào nhận gạo. Đồng thời, xử lý các vấn đề an ninh và đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội, nhắc nhở mọi người mang khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.


...và được bố trí chỗ ngồi để đảm bảo giãn cách xã hội

“Kinh phí hoạt động chương trình là từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân và sự sẻ chia, đóng góp của các thành viên trong Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì chương trình, hỗ trợ cho người dân được nhiều hơn. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không phân biệt bất kỳ ai. Vì vậy, ai khó khăn thì cứ đến nhận gạo và nhu yếu phẩm”, bà Cúc chia sẻ.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT