Vaccine là vũ khí chiến lược, yếu tố quyết định trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 song trước tình hình tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn còn thấp thì việc truyền thông, giải đáp những thắc mắc của người dân trước những thông tin chưa chính xác về vaccine phòng COVID-19, giúp người dân nhận thức đúng về lợi ích của việc tiêm chủng là rất cần thiết.
Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình 7 ngày (từ 6-9 đến 12-9-2022) có 455.379 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên 614.343.914 ca; riêng ngày 12-9 ghi nhận 453.819 ca. Số ca tử vong từ 6-9 đến 12-9-2022 là 1.432 ca, đưa tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì COVID-17 lên 6.518.150 ca.
Những con số trên cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trên thế giới với biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua và biến thể phụ BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, thống kê nói trên vẫn chưa đầy đủ vì nhiều ca mắc bệnh nhưng tự thực hiện xét nghiệm tại nhà và không báo cáo cơ quan y tế.
Vaccine là vũ khí chiến lược, yếu tố quyết định trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 11-9-2022 đã có 11,4 triệu người mắc COVID-19, 43.000 trường hợp tử vong. Tháng 8-2022 ghi nhận 72.324 ca mắc, tăng 2,4 lần so với tháng 7-2022. Số ca tử vong của tháng 8-2022 là 24 ca, tăng 18 ca so với tháng 7-2022.
Đáng lưu ý là số ca mắc tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trở lại. Trong 7 ngày (từ 5-9 đến 11-9-2022), trung bình mỗi ngày có có 2.900 ca mắc COVID-19. Riêng ngày 7-9-2022 có số ca mắc cao nhất trong 4 tháng qua với 3.878 ca.
Tại Đà Nẵng, tính từ ngày 1-1 đến 13-9-2022 đã ghi nhận 98.409 ca mắc COVID-19 với 240 trường hợp tử vong. Từ ngày 23-4-2022 đến nay, không ghi nhận thêm trường hợp tử vong.
Truyền thông để người dân hiểu đúng và chủ động tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng Nguyễn Hóa cho biết, theo WHO, hơn 1 triệu ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy người dân chưa thực hiện đúng các hướng dẫn về việc sống chung với COVID-19 và con số trung bình 15.000 ca tử vong/tuần phản ánh việc sống chung với dịch bệnh một cách thiếu trách nhiệm.
“WHO khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, song thế giới có thể chấm dứt căn bệnh này nếu hành động quyết liệt, đồng bộ và cẩn trọng. Việc sống chung với COVID-19 có thể thực hiện được nếu tất cả người dân cần có ý thức và sống có trách nhiệm”, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Nguyễn Hóa nhấn mạnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID 19 trong tình hình mới cho các cán bộ, công chức, viên chức
Về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn còn thấp, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Nguyễn Hóa cho biết, vấn đề này liên quan đến nhận thức của người dân vì họ chưa hiểu rõ về lợi ích của việc tiêm chủng cho chính bản thân mỗi người và cho cộng đồng.
“Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu và cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa một số bệnh như rụng tóc, mất trí nhớ, thậm là vô sinh với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Điều này là trái ngược với nhiều thông tin không có cơ sở khoa học đang được lan truyền, thậm chí, có một bộ người dân tin rằng các triệu chứng như rụng tóc, mất trí nhớ,… là do tiêm vaccine. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn, nếu để mắc COVID-19 thì giai đoạn “hậu COVID-19”, khả năng suy giảm trí nhớ là có thật”, Nguyễn Hóa cảnh báo.
Theo Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Nguyễn Hóa, hiện, ngành Y tế đang theo dõi diễn biến dịch COVID-19 không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn cả nước để đánh giá mức độ dịch cũng như khả năng phòng chống dịch phù hợp trong tình hình mới.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục truyền thông về hiệu quả của việc tiêm phòng COVID-19 để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của tiêm chủng, trên cơ sở đó giải đáp những thắc mắc của người dân trước những thông tin chưa chính xác về tiêm vaccine. Từ đó, người dân sẽ hiểu, an tâm hơn và chủ động tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19”, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng Nguyễn Hóa nói.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thu Phương cho biết, Đà Nẵng xác định hoạt động truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên cần được tiến hành liên tục, đồng bộ, có chương trình, kế hoạch cụ thể, quyết liệt, đặc biệt là truyền thông đẩy mạnh ý thức tự giác tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Hưởng ứng chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với các biện pháp hữu hiệu như Khẩu trang – Khử khuẩn – Vaccnie – Thuốc – Điều trị - Công nghệ - Ý thức người dân cùng nhiều biện pháp đồng bộ khác, hy vọng rằng những thông điệp của đợt truyền thông mới sẽ được cộng đồng đón nhận và lan tỏa trên toàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thu Phương chia sẻ.
THANH NGUYÊN