I. THÔNG TIN ĐỀ TÀI
Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ đảo xanh và hồ công viên 29/3 thành phố Đà Nẵng
Chủ nhiệm đề tài:TS. Nguyễn Đình Anh
Cơ quan chủ trì:Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng
Năm nghiệm thu: 2014
II. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng, ao hồ đô thị có vai trò hết sức quan trọng như: cảnh quan mặt nước, điều hòa vi khí hậu, điều tiết nước mưa và xử lý nước thải, một số hồ còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt (hồ Xanh), cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp (hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ), tạo ra không gian cảnh quan phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí cho nhân dân (hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ Công Viên 29-3 ...)
Mặc dù nhận thức rõ vai trò của hệ thống không gian mặt nước trong đô thị nhưng khi quy hoạch và chỉnh trang đô thị, nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng tới các diện tích đất dành cho các mục đích ở, hành chính, dịch vụ thương mại, công nghiệp, cây xanh mà không hoặc ít chú trọng tới diện tích mặt nước đô thị. Do đó, thường dẫn tới các hồ nội thị không đảm bảo cho các chức năng của hồ.
Trong công tác quản lý đô thị cũng vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong quản lý hồ đô thị rất ít được chú trọng. Vì thế, nhiều ao hồ bị thu hẹp diện tích, một số hồ thì được san lấp và thay thế bằng các khu dân cư. Nhiều thủy vực biến mất dẫn đến gia tăng ngập lụt khi có mưa do không còn hồ để điều tiết lượng nước mưa. Nhiều thủy vực thì ô nhiễm nặng mà nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm hồ, kênh rạch trong các đô thị ở nước ta là do tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ với mức vượt quá khả năng tự xử lý của hồ.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác là rác thải đổ trực tiếp vào hồ, nuôi thả cá trong hồ không có sự kiểm soát về số lượng, chủng loại và loại thức ăn sử dụng, công tác cải tạo hồ chưa thường xuyên nên chất lượng nước hồ đang có xu hướng suy giảm.
Việc cải thiện ô nhiễm hồ được đặt lên hàng đầu với nhiều nhóm giải pháp khác nhau từ quy hoạch sử dụng đất phù hợp (đặc biệt là đất nông nghiệp, công nghiệp), cải tạo lòng hồ theo hướng tăng hiệu quả xử lý của sinh vật thủy sinh trong hồ, đến sử dụng thực vật, tảo phù hợp để giảm chất ô nhiễm trong nước hồ.
Đối với hồ Công Viên 29/3, đã tiến hành xây dựng cống bao quanh hồ, lắp đặt cửa phai chặn dòng nước thải vào hồ. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa khắc phục. Đối với hồ Đảo Xanh, đã tiến hành một số giải pháp hạn chế ô nhiễm như: phun chế phẩm sinh học khử mùi, nạo vét, duy trì vệ sinh mặt hồ nhưng tình trạng ô nhiễm chỉ mới giảm chứ chưa được cải thiện.
Xuất phát từ những vấn đề trên và cũng để góp phần vào những nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể, để bảo vệ môi trường hồ đô thị nói chung và hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh nói riêng, ban chủ nhiệm đề tài cần phải đánh giá đồng bộ cả về thực trạng cơ sở hạ tầng, đánh giá chất lượng nước hồ và thải lượng chất ô nhiễm vào hồ, để có cơ sở ban đầu đánh giá năng lực tải của mỗi hồ và trên cơ sở đó đề xuất giải pháp hợp lý mang tính khả thi. Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo hồ Đảo Xanh và Công Viên 29/3” được thực hiện nhằm cung cấp các giải pháp tổng thể mang tính khả thi trong cải thiện môi trường hồ, nâng cao hiệu quả xử lý của hồ trong khu vực đô thị.
III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
- Đánh giá hiện trạng môi trường hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh;
- Xác định và đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh;
- Đề xuất các giải pháp về mặt kỹ thuật, quản lý, xã hội hóa và huy động sự tham gia của cộng đồng để cải thiện chất lượng môi trường hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh.
IV. ĐỐI TƯỢNG,PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Hồ Đảo Xanh, hồ Công Viên 29/3 thành phố Đà Nẵng được chọn làm đối tượng nghiên cứu chính.
2. Phạm vi nghiên cứu
- Hiện trạng hồ với các thông tin về diện tích, độ sâu, chất lượng nước, lớp bùn đáy và sự phát triển của tảo trong hồ;
- Hạ tầng kỹ thuật của hệ thống cống thoát nước xung quanh hồ, các cửa xả và hiệu quả sử dụng của các ngưỡng tràn ở các cửa xả vào hồ;
- Tổng lưu lượng nước thải và thải lượng chất thải trong lưu vực cũng như lượng thải vào hồ thông qua các cửa xả, trong đó lưu ý tổng lượng nitơ và photpho có trong nước thải, trong nước hồ;
- Hiệu quả xử lý nước thải của hồ, hiệu quả ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm của một số giải pháp đang thực hiện tại hồ như thả bèo lục bình, ngưỡng tràn, vớt rác...;
- Các nguồn thải chính trong lưu vực với đặc trưng về loại và lượng chất ô nhiễm, mức độ xử lý nước thải trước khi thải vào hệ thống cống thoát nước.
V. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Hiện trạng các hồ
2. Các nhóm giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh
3. Các giải pháp quản lý để cải thiện môi trường hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh
4. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường để cải thiện chất lượng môi trường hồ Công Viên 29/3 và hồ Đảo Xanh