Chiều 29-9, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) thành phố - SURF 2023 diễn ra Hội thảo khoa học: Hội nhập quốc tế của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên cho biết, những năm qua, Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, ĐSQ Israel, chương trình Phần Lan IPP.. trong việc cung cấp các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới để đào tạo cho các startups những kiến thức và kỹ năng kinh doanh tiềm cận được với khởi nghiệp thế giới.
Các nhà đầu tư khởi nghiệp của các nước cũng bắt đầu quan tâm và đánh giá Đà Nẵng là thành phố có sự sôi động về khởi nghiệp. Một số start-ups tại Đà Nẵng đã nhận được nguồn vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài như Dat Bike, Selly, Hekate… Tuy nhiên, con số dự án được tiếp và nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít.
Quang cảnh Hội thảo
“Điều này đặt ra nhiều trăn trở cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố như Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp DNES về việc đưa các startup đến với thị trường quốc tế”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Lê Đức Viên chia sẻ.
Cũng theo ông Viên, Hội thảo quốc tế hôm nay chính là dịp quan trọng hội tụ đầy đủ các thành tố trong nước và ngoài nước để cùng nhau đánh giá lại tiềm năng cũng như các cơ hội của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó tạo tiền đề đưa hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới.
“Đây là Hội thảo quan trọng, mang tính thực tiễn cao, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST địa phương và mở ra cơ hội quốc tế cho cộng đồng khởi nghiệp, thúc đẩy việc hợp tác, đầu tư, và phát triển toàn cầu”, ông Viên nói.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Vườn Ươm doanh nghiệp thành phố cho biết, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành Điểm cầu quốc gia trong kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế sẵn có thì Đà Nẵng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Ông Chương cũng đề xuất một số giải pháp để thành phố vượt qua những thách thức này, như: Đà Nẵng cần tăng cường đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; đẩy mạnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ KNĐMST.
Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo
“Ngoài ra, thành phố cần tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như: Nâng cao nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, mở rộng mạng lưới đối tác. Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp ĐMST”, ông Chương nói.
Theo ông Aaron Everhart, Tổng giám đốc Draper Startup House Việt Nam (DSH - mạng lưới toàn cầu các không gian kết nối dịch vụ lưu trú, đào tạo và đầu tư tại Việt Nam), từ năm 2012 đến nay, DSH tổ chức nhiều sự kiện kết nối, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Riêng tại Đà Nẵng, DSH hoạt động từ năm 2019, thực hiện hỗ trợ các startup tiếp cận với những đối tác tiềm năng, trau dồi kiến thức khởi nghiệp thông qua các buổi Hội thảo.
Đồng thời, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, xây dựng môi trường, cơ hội cho các thành viên trong hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố gặp gỡ và kết nối với nhau.
Ông Aaron Everhart cho biết, DSH được coi là biểu tượng của sự kết nối, cảm hứng và trao quyền. Mô hình của nó vượt qua các ranh giới địa lý và tập hợp những tài năng, quan điểm và khát vọng đa dạng. DSH đặt tầm nhìn sẽ hỗ trợ hình thành cho một triệu doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới vào năm 2030.
THANH HẢI