Bổ sung định hướng về hạ tầng giao thông, ý tưởng về đô thị sân bay, tính liên kết vùng, đô thị nén … là những ý kiến được các chuyên gia , nhà nghiên cứu thảo luận đóng góp tại cuộc Hội thảo do UBND thành phố tổ chức sáng ngày 29-12 với nội dung thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng , đô thị và đất đai thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo do TS Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố và KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch và kiến trúc quốc tế đồng chủ trì. Đây cũng là hợp phần trong dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND thành phố thực hiện các bước chuẩn bị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022.
Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho dự án quy hoạch
Tại Hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá bản đồ án quy hoạch về phát triển hạ tầng đô thị và đất đai mà tư vấn đề xuất có nội dung rõ ràng, kết cấu mạch lạc trên cơ sở Quy hoạch chung đã được hủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy vậy, đây là bản quy hoạch tích hợp, với tầm nhìn xa nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bổ sung làm rõ hoàn thiện thêm những vấn đề trong đồ án, cập nhật thêm những vấn đề mới mang tính hiện đại để định hình rõ hơn diện mạo, vị thế của Đà Nẵng trong các mối tương quan liên kết vùng, liên kết các chiều không gian đô thị …
Theo tiến sĩ Thân Đình Vinh (viện nghiên cứu Kinh tế - Xây dựng đô thị) Quy hoạch về hạ tầng đô thị có ý nghĩa rất quan trọng, cần được đầu tư mạnh, khai thác hợp lý chính là thúc đẩy cho phát triển và thu hút nguồn lực, sinh lợi cho thành phố. Bản quy hoạch cần cập nhật thêm những hướng tuyến giao thông đối nội sẽ hình thành trong tương lai như đường cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Đà Nẵng đi Tây nguyên qua Ngọ c Hồi, cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum); và các tuyến giao thông đối ngoại như quốc lộ 21 phía Tây, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam …
TS Lê Thu Huyền (Trường ĐH Giao thông Vận tải) đề nghị bản quy hoạch cập nhật thêm các số liệu có tính dự báo, từ đó đưa ra những định mức cụ thể về phương án phát triển không gian và hạ tầng đô thị như cây xanh, cấp- thoát nước… Mô hình phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng nên là đô thị nén, nhưng là một đô thị “sống” dựa trên những hoạt động mang tính liên kết với các vùng .
PGS TS. Phùng Chí Sỹ ( Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường) bày tỏ sự quan tâm đối với môi trường khi đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị. Với Đà Nẵng, nhiều năm qua đã đạt những kết quả rất tốt về xây dựng thành phố môi trường thì nên đặt ra những tiêu chí cụ thể về môi trường cao hơn các tiêu chí quốc gia để khẳng định quyết tâm thực hiện bảo vệ môi trường bền vững. Vấn đề về biến đổi khí hậu cũng cần phải được tính toán kỹ trong định hướng phát triển.
Tiến sĩ Phan Cao Thọ đề nghị về phát triển không gian ngầm của thành phố
PGS TS Phan Cao Thọ (Trường ĐH Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng) đề nghị tiếp cận thêm những ý tưởng hiện đại để đưa vào đồ án quy hoạch lần này. Vấn đề phát triển không gian ngầm của thành phố cần được tính toán cho đô thị Đà Nẵng trong tương lai.
Đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia, KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu lên những đề xuất của mình về xây dựng đô thị sân bay, một khái niệm mô hình hiện đại mà Đà Nẵng có thể tiếp cận được trong một tầm nhìn lớn hơn. Đô thị sân bay có thể đem lại những lợi ích rất lớn cả về kinh tế, xã hội, đời sống, có thể là một bước chuyển về chất của đô thị Đà Nẵng.
Những ý kiến tâm huyết, trí tuệ về quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trải qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
NHẬT HƯNG