Vị tướng tài được hai triều đại đối nghịch trọng dụng
Đăng ngày 27-12-2021 08:54, Lượt xem: 673

Tượng binh (voi chiến) dưới triều Tây Sơn nói riêng và Đàng Trong nói chung, là một trong những binh đội quan trọng nhất thuộc sự chỉ huy, huấn luyện của tướng Bùi Thị Xuân và Lê Văn Hoan. Trong đó tướng Lê Văn Hoan dù phục vụ dưới hai triều đại được cho là đối nghịch nhau về chính trị nhưng những đóng góp to lớn của ông dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn để bảo vệ biên giới… đã vượt lên trên yếu tố chính trị, lịch sử của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Một vị tướng tài dưới triều Tây Sơn

Vào thế kỷ 18, theo Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì lúc này Hòa Vang là một trong năm huyện thuộc phủ Điện Bàn và nổi tiếng là nơi sản sinh những người quản tượng tài giỏi. Lê Văn Hoan cũng nằm trong số ấy.

Đương thời, Lê Văn Hoan được sinh ra trong gia đình có truyền thống quản tượng binh - cha ông từng giữ chức Đô úy, độ trưởng đội quân voi trung cấp. Khi lớn lên, Lê Văn Hoan được anh em nhà Tây Sơn chiêu mộ làm binh sĩ dưới quyền, chuyên huấn luyện đội tượng binh lên đến hàng trăm con voi dữ. Tước hiệu của Lê Văn Hoan lúc này là Đô đốc quản doanh tượng binh, cánh tay đắc lực thống lĩnh đội voi chiến.

Từ lúc đầu khởi nghĩa, đội quân của triều Tây Sơn chỉ có số lượng hạn chế các thớt voi. Sau đó, nhờ tích cực săn tìm, huấn luyện voi rừng từ những vị tướng như Bùi Thị Xuân, Đô Đốc Hoan, Đô đốc Bảo mà đội voi lên được vài chục con. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, qua nhiều trận đánh với nhà Nguyễn, nhà Trịnh, nhà Tây Sơn đã thu được khá nhiều voi chiến, số lượng voi chiến lên đến hàng trăm con.

Trên chiến trường vào thời kỳ đó, lực lượng tượng binh mang lại ưu thế cực lớn. Voi đã được thuần hóa là loài vốn tính hiền lành, thân thiện với con người, nhưng khi đã xung trận thì chúng trở nên hung tợn, là quái thú trên chiến trường với sức mạnh vô song.


Toàn cảnh khu vực mộ tướng Lê Văn Hoan

Voi có thể phá hủy, xóa bỏ các chướng ngại vật, thậm chí là công sự thành lũy, mở đường cho bộ binh bằng cơ bắp và sức nặng của chúng. Khi đánh giáp lá cà, voi dùng vòi, chân, ngà để quăng quật, dày xéo, đâm húc quân địch, làm tan nát đội hình của đối phương. Khiên, giáp có thể chống được gươm giáo chứ không thể cản nổi sức mạnh của tượng binh. Bản thân lớp da dày của voi lại như một lớp giáp hộ thân cho chúng. Tiếng rống của đàn voi cũng là thứ vũ khí uy hiếp tinh thần quân giặc, đặc biệt là khiến đội kỵ binh khiếp đảm vì ngựa vốn rất sợ voi.

Vào thời bấy giờ, đội tượng binh còn là biểu hiện sức mạnh quân sự của một nước, đoàn voi trận thường được dùng như một cách phô trương trong các buổi tiếp sứ thần nước ngoài.

Tượng binh dưới thời Tây Sơn vốn được biết đến là một trong những đội quân hùng mạnh có vai trò to lớn đối với quân đội Tây Sơn, dưới sự chỉ huy, huấn luyện của các vị tướng như Bùi Thị Xuân, Lê Văn Hoan. Binh chủng đặc biệt này đã góp công đầu cho nhiều chiến thắng mà đỉnh cao là lần đại phá 19 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Trong cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh (1789) , lực lượng tượng binh cùng các Đô đốc quản tượng góp phần rất quan trọng trong tổng thể sức mạnh quân đội nhà Tây Sơn, có vai trò chiến thuật then chốt trong mỗi trận đánh.

Trong 5 đạo quân Tây Sơn từ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 thì có tới 3 đạo quân sử dụng kết hợp tượng binh và kỵ binh, trên mỗi hướng tấn công đều có hàng trăm voi chiến tham gia. Ước trong cuộc tấn công quân Mãn Thanh, 300 voi chiến đã được sử dụng, riêng trận Ngọc Hồi, 100 voi chiến đã xung trận.

Trên mỗi voi chiến, ngoài quản tượng còn có 3 đến 4 người cầm vũ khí vừa bảo vệ voi vừa chiến đấu. Ngoài cung, nỏ, giáo cán dài,...tượng binh Tây Sơn còn được trang bị đặc biệt bằng đại bác, hỏa hổ và hỏa cầu lưu hoàng. Như theo Thánh Vũ Ký (Nhà tư tưởng Trung Quốc) thì, quân Tây Sơn đều chở đại bác bằng voi mà xông ra trận.

Sức mạnh, ưu thế của đội tượng binh khi Nguyễn Huệ đánh Ngọc Hồi được sử nhà Thanh chép thêm: "đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi, có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa" (theo bài viết “Giải mã sức mạnh có “1-0-2” của Báo Bình Định).

Từ xưa, voi chiến vốn được ông cha ta huấn luyện và sử dụng trong các trận đánh. Hình ảnh voi chiến gắn với những cuộc chiến chống ngoại xâm của bao vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…

Nhưng đến tới thời quân đội Tây Sơn - Nguyễn Huệ dưới sự chỉ huy của những binh tài tướng mạnh như Lê Văn Hoan, Bùi Thị Xuân...thì việc dụng tượng binh đã đạt đến đỉnh cao. Khi đội quân này được xây dựng như như một binh chủng đặc biệt với số lượng lớn, tổ chức quản lý chính quy, huấn luyện chiến đấu bài bản, được trang bị các lợi khí nguy hiểm, có sự kết hợp chặt chẽ với các binh chủng khác. Đây là lực lượng xung kích xuất sắc, sức mạnh chiến đấu ghê gớm, đóng góp công đầu vào nhiều chiến thắng vang dội quân đội Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh.

Sủng thần dưới triều Nguyễn

Năm 1792, Vua Quang Trung mất. Triều đại Tây Sơn bắt đầu vào giai đoạn suy vong trước sự thắng thế của đội quân Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) trên khắp các chiến trường.

Lúc này, Đô đốc tượng binh Lê Văn Hoan quyết định giải giáp doanh cơ binh tượng, nhằm bảo toàn sinh mệnh, tránh họa sát diệt cho binh sĩ dưới quyền, để tướng, quân cùng trở về quê nhà. Đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn của Đô đốc Lê Văn Hoan nhằm bảo toàn tính mạng cho binh sĩ Tây Sơn, bởi lẽ, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn rất tàn bạo.

Sau khi Đô đốc Lê Văn Hoan giải giáp tượng binh, đội voi chiến Nhà Tây Sơn rơi vào tay quân đội của Gia Long, vốn là những voi chiến đã được huấn luyện kỹ lưỡng, dày dặn sức chiến đấu đồng thời đã quen chủ, nhân việc người chủ mới không thể điều khiển được đàn voi nhà Tây Sơn để lại.

Đồng thời cảm thấu được lòng nhân ở vị tướng quản tượng Tây Sơn, vua Gia Long triều Nguyễn đã xuống chiếu triệu hồi Lê Văn Hoan ra thống lĩnh tượng binh, tiếp tục cai quản và huấn luyện voi chiến cho triều Nguyễn. Lúc ấy ông ngoài 40 tuổi, thấy mình vẫn còn nặng nợ với bầy voi, không thể bỏ mặc chúng nên vị thống lĩnh tượng binh đã nén tình riêng với chủ cũ, nhận lời vua Gia Long tiếp quản binh tượng.


Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Phạm Tấn Xử thắp hương mộ tướng Lê Văn Hoan sau khi ngành hoàn thành trùng tu

Dưới triều Nguyễn, tướng quân Lê Văn Hoan làm quan phò trợ qua hai đời vua là Gia Long và Minh Mạng, với chức trách và bổn phận của mình, ông luôn tận tâm tận lực phò trợ, cống hiến cho đất nước. Dù là đã từng làm quan dưới triều Tây Sơn tuy nhiên ông vẫn rất được trọng dụng dưới triều Nguyễn. Điều này được minh chứng qua những tài liệu được ghi chép lại trong Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục.

Dưới triều vua Minh Mạng, ông lần lượt được giao quản các vị trí trong đội voi chiến, sách Đại Nam thực lục, tập hai trong đó có đoạn viết về việc vua Minh Mạng giao phó nhiệm vụ cho ông:

Tháng 6 năm 1820.....Cai cơ Thị tượng là Lê Văn Hoan làm Vệ uý Thị nội, Quản ba cơ Tiền tượng, Tả tượng, Hữu tượng

Tháng giêng năm Minh Mạng thứ 6/1825... Đôi bổ Chưởng cơ Lê Văn Hoan chuyên quản năm cơ Dũng tượng, Thịnh tượng và Tiền, tả, Hữu Hùng tượng...Vệ uý quản lý ba cơ Hùng tượng Bắc Thành, vẫn thuộc quyền quản hạt  của Lê Văn Hoan, Vệ uý quản hai cơ Định tượng, Kiên tượng là Nguyễn Văn Nam làm Vệ uý vệ Thị tượng nhất. Lê Văn Hoan, Nguyễn Đình Đề, Nguyễn Văn Toán đều ở lại Kinh cung chức. Sai chế ấn quan phòng và ấn đồ ký cấp cho (1 ấn quan phòng “Hùng cự Ngũ kích”, 1 ấn quan phòng “Thị tượng tam vệ”, 1 ấn quan phòng “Dũng Thịnh Hùng tượng ngũ cơ”, 1 ấn quan phòng “Tiền Tả Hữu Tri tượng tứ cơ”, 1 ấn quan phòng “An Định Kiên Bình Trung tượng ngũ cơ”, đều bằng đồng, cùng dấu kiềm bằng ngà ; 1 ấn đồ ký “Hùng tượng tam cơ” bằng đồng cùng dấu kiềm bằng gỗ).”

Cũng trong năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 [1825], Chưởng cơ Lê Văn Hoan được thụ chức Thống Chế tượng quân“...Chưởng cơ Lê Văn Hoan làm thự Thống chế Tượng quân quản vệ Hùng cự và cơ Ngũ kích...”

Những đoạn được ghi dưới đây trong sách Đại Nam thực lục tập 2 của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, cho thấy Lê Văn Hoan là sủng thần được vua Minh Mạng rất trọng dụng, ông luôn được truyền gọi bàn bạc những việc trọng đại, giao những nhiệm vụ quan trọng và miễn những quy tắc của hoàng tộc:

 “Tháng 12/1825...Miễn cho thự Thống chế là Lê Văn Hoan và Nguyễn Tài Năng khỏi dự đình nghị. Vì hai người xuất thân ở hàng ngũ, chính thể chưa quen nên miễn cho...

Tháng Giêng, 1826.... Định lệ đại thần vào trực. Hằng ngày đại thần văn võ đều một người thay phiên nhau trực ở tả hữu vu điện Cần Chính, cấp cho cơm nước và màn nằm, văn thì lấy một viên ty thuộc, võ thì lấy một viên suất đội đi theo, đều cấp cho bài ngà để chiếu nghiệm khi đi lại qua cửa. Thự Thống chế Nguyễn Đăng Huyên, Nguyễn Tài Năng, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Văn Điển, Lê Văn Hoan thì làm một ban riêng thay nhau vào trực

Tháng 3/1826... Cho thự Thống chế Tượng quân là Phạm Văn Điển và Lê Văn Hoan được dự đình nghị”

  “Tháng 9/1826, vua cho thự Thống chế Tượng quân là Phạm Văn Điển và Lê Văn Hoan...cùng với các đại thần thay ban vào trực”

Năm Minh Mạng thứ 8, hai nước Xiêm và Vạn Tượng xảy ra mâu thuẫn, Quốc trưởng nước Vạn Tượng (nay thuộc Lào) là A Nỗ đánh nhau với nước Xiêm (nay thuộc Thái Lan) bị thua; con là Chiêu Ba Thắc bị nước Xiêm bắt, quân và dân tan đi các nơi. A Nỗ thế cùng, chạy ra Ba Động, xin liệt làm dân ngoài biển của nước ta và giữ lễ cống để cầu quân cứu viện.

Từ sự kiện xung đột giữa Xiêm và Vạn Tượng, vua Minh Mạng cử Thống chế Tượng quân Lê Văn Hoan một số quan đại thần sung Bang quân vụ để phòng bị, sách Đại Nam thực lục có chép:

“...Sai Đô thống chế dinh Long võ quân Thị nội là Phan Văn Thuý sung chức Kinh lược biên vụ đại thần, kiêm lĩnh Trấn thủ Nghệ An, Phó tướng Hữu quân là Nguyễn Văn Xuân sung Bang biện quân vụ đại thần, Phó đô thống chế Trung dinh quân Thần sách là Đoàn Văn Trường và Thống chế Tượng quân là Lê Văn Hoan, đều sung Bang biện quân vụ, Thượng thư Lại bộ là Trần Lợi Trinh sung Tham tán quân vụ đại thần, Tham tri Binh bộ là Nguyễn Công Tiệp sung Tham tán quân vụ, đem hơn 2.000 Kinh binh, 30 thớt voi, chọn ngày tiến quân. Đều thưởng cho quần áo và tiền lương một tháng. Lại phái thái y theo đi điều hộ”.

Tháng 7, mùa thu Đinh Hợi, năm Minh Mạng thứ 8 [1827], nhân tình hình biên giới yên ổn, Vua Minh Mạng triệu hồi quân cùng Lê Văn Hoan về Nghệ An nghĩ sức. Tháng 8 cùng năm, Lê Văn Hoan cùng các tướng trấn thủ ở Trấn Ninh về kinh. Gần một năm sau, (Ngày 7 tháng 4 Năm Minh Mạng thứ 9) Thống chế Lê Văn Hoan qua đời, đang là một trọng thần được vua tin dùng, khi nghe tin ông mất, vua rất đau lòng.

Sách Đại Nam thực lục chép về cái chết của ông như sau: “Thống chế Tượng quân là Lê Văn Hoan chết. Hoan là người lão thành trọng hậu, vua đương tin dùng, khi nghe tin chết, than tiếc mãi. Tặng chức Đô thống thuỵ là Vũ Khắc, cho thêm tiền tuất 200 lạng bạc, 5 cây gấm Tống. Cho con là Cai đội Lê Văn Tạo làm Quản cơ thí sai cơ Thị tượng”.

Sau khi ông mất, ông được con trai Lê Văn Tạo đưa về an táng, xây cất mộ tại gò đồi làng Cẩm Toại (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) quê hương ông, đến nay đã gần 200 năm. Từ đó đến nay mộ ông đã qua 1 lần tu sửa vào năm 1963, tuy nhiên về hình dáng kiến trúc của mộ vẫn được giữ gần như nguyên bản so với lúc đầu.

Tại Cẩm Toại, với sự ngưỡng vọng dành cho bậc tiền nhân trong lịch sử, Thống chế Lê Văn Hoan được nhân dân trong làng truy tôn là bậc hậu hiền của làng. Cứ vào kỵ tiền hiền, hậu hiền (24 - 4 âm lịch) tại đình làng có tổ chức cúng tế.

Với những công lao và vai trò của mình trong lịch sử dân tộc, tên của ông đã được mang danh cho một tuyến đường tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để nhân dân tưởng nhớ.

Vừa qua, ngành Văn hóa Thể thao thành phố triển khai tu sửa Mộ Thống Chế Lê Văn Hoan và trình UBND thành phố quyết định xếp hạng di tích lịch sử.

QUỐC NAM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác