Tìm kiếm giải pháp tối ưu cho công tác quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 25-06-2022 15:05, Lượt xem: 705

Trong khuôn khổ dự án "Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam" (gọi tắt là Dự án SATREPS), ngày 24-6, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo lần thứ 2 về Quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo về quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tại thành phố Đà Nẵng

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam; ông Jin Toriyama và ông Akira Hiroi, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; và các chuyên gia đến từ Đại học Saitama, Nhật Bản. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng và Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Phạm Duy Hòa đồng chủ trì hội thảo.

Bài toán khó trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn xây dựng

Với quyết tâm “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, trong nhiều năm qua, thành phố đã ban hành nhiều đề án, chương trình để hiện thực hóa mục tiêu này. Qua đó, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết cơ bản các vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng do chất thải rắn phát sinh, được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn xây dựng vẫn là một bài toán khó, chưa có giải pháp căn cơ, thực sự hiệu quả. Theo thống kê, tổng lượng phát sinh chất thải rắn xây dựng trên toàn thành phố ước tính khoảng 1.500 - 2.500 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025 khoảng 2.300 -3.300 tấn/ngày, năm 2030 dự kiến lên đến 4.600 - 6.700 tấn/ngày. Lượng rác thải này chủ yếu bị xả thải bừa bãi ra môi trường, nhất là tại các bãi đất trống.

Các bãi đổ trộm chất thải rắn xây dựng nằm rải rác khắp thành phố

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2016, thành phố đã quy hoạch 14 bãi chôn lấp với mục tiêu đến năm 2030, 100% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 80% được thu hồi và tái chế, tái sử dụng. Năm 2018, UBND thành phố cũng ban hành quy định trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường đối với các lô đất trống. Theo đó, người sử dụng đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường tại thửa đất được giao; ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan đăng ký đất đai; ký cam kết bảo vệ môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường; hoàn trả chi phí cho việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường khi khu đất chưa sử dụng nhưng gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, UBND các phường, xã có nhiệm vụ quản lý công tác vệ sinh môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn; lập đường dây nóng, công khai và tiếp nhận các thông tin phản ánh; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường. UBND quận, huyện quản lý công tác vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường khi chủ đất không thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường.

Các lô đất trống được gắn bản tuyên truyền, lắp đặt camera giám sát

Các lô đất trống được gắn bản tuyên truyền, lắp đặt camera giám sát, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định. Đặc biệt, với việc tổ chức 2 bãi tập kết tại quận Sơn và 2 bãi tập kết tại quận Liên Chiểu đã giúp giảm thiểu đổ trộm chất thải rắn xây dựng, giảm thiểu số điểm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn xây dựng, đồng thời tạo nguồn nguyên vật liệu san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, hiện các vị trí tập kết chất thải rắn xây dựng chưa đúng quy hoạch, chưa đảm bảo khoảng cách ly, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khu vực.

Bên cạnh đó, các vị trí tập kết cũng chưa có công nghệ phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng nên chưa nâng cao giá trị của chất thải rắn xây dựng; chưa có đơn giá để đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành; phương thức vận hành tại vị trí tập kết mang tính chất tạm thời, không lâu dài nên các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo, còn nhiều phản ánh của người dân.

Xây dựng quy hoạch với mục tiêu thúc đẩy tái chế, hạn chế chôn lấp chất thải rắn xây dựng

Khảo sát của nhóm nghiên cứu dự án SATREPS cho thấy, mỗi ngày thành phố cần chỗ chứa cho khoảng 500m3 chất thải rắn xây dựng; nếu chôn lấp thì mỗi năm cần khoảng 1,7 ha cho việc chôn lấp; nếu chứa tạm ở các bãi thì cần khoảng 11-22ha đất mỗi năm cho việc chứa tạm chất thải rắn xây dựng. Mặt khác, khối lượng khai tác đá xây dựng trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, tức là thiếu khoảng 555 nghìn m3/năm; nhu cầu san lấp khoảng 2,5 triệu m3/nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%, thiếu 1,7 triệu m3/năm. Trong khi đó, các thành phần chính từ chất thải rắn xây dựng như đất, gạch, bê tông… có thể được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế trong xây dựng và cở sở hạ tầng, góp phần trực tiếp giảm thiểu lượng chất thải xây dựng phải chôn lấp.

Theo các chuyên gia, việc quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải rắn xây dựng phụ thuộc lớn vào 4 giải pháp, gồm: chính sách, quy định quản lý nhà nước; công cụ, chính sách về kinh tế, thị trường; chính sách về giáo dục, truyền thông; các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch với mục tiêu cụ thể về thúc đẩy tái chế, hạn chế chôn lấp chất thải rắn xây dựng, chống đổ trộm chất thải; ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý chất thải rắn xây dựng đối với các bên liên quan, thực hiện cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đồng thời, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn xây dựng và các bãi chứa tạm, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng.

Các bãi tập kết tại quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu

Về phía cạnh kinh tế, cần ban hành chính sách cụ thể quy định phí chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng như tăng phí chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng hoặc tính lũy tiến phí chôn lấp trực tiếp… Có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm về việc đổ trộm chất thải rắn xây dựng và cơ chế hỗ trợ về tài chính, trợ giá đối với các doanh nghiệp tái chế chất thải rắn xây dựng làm vật liệu. Phát triển công nghệ tái chế; thử nghiệm xây dựng, vận hành các nhà máy tái chế chất thải rắn xây dựng vừa phục vụ phát triển công nghệ tái chế, vừa là mô hình thử nghiệm, bài học kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu dự án SATREPS đề xuất, trước mắt, thành phố Đà Nẵng cần quy hoạch và quản lý các vị trí bãi trung chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng; triển khai dự án tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng; đồng thời, ban hành các quy định chặt chẽ trong việc xử phạt và thực hiện giám sát hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng, tăng cường kiểm tra giám sát hành vi này. Về lâu dài, thành phố cần xây dựng các quy định về việc quản lý chất thải rắn xây dựng đối với chủ đầu tư, nhà thầu từ giai đoạn thiết kế; xây dựng các quy định, mức giá cho việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn xây dựng đảm bảo thúc đẩy tái chế; xây dựng đơn giá xử lý, các chính sách hỗ trợ cho việc tái chế chất thải rắn xây dựng.

Ký kết thoả thuận hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ dự án SATREPS giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và hai đơn vị đồng thực hiện dự án là Đại học Saitama, Nhật Bản và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Cùng với đó, Đà Nẵng cần ban hành các tiêu chuẩn, quy định cho đơn vị thu gom, vận chuyển và tái chế đáp ứng yêu cầu giám sát việc đổ trộm chất thải xây dựng; thực hiện truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và tái chế chất thải rắn xây dựng. Thực hiện truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; tổ chức các hội thảo tập huấn cho cán bộ kỹ thuật các đơn vị về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho biết, một trong những kỳ vọng rất lớn của thành phố đối với dự án SATREPS là thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia, thành phố ban hành được quy định, hướng dẫn phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của nhóm nghiên cứu về việc tái chế, sử dụng nguồn tài nguyên từ chất thải rắn xây dựng phục vụ trở lại cho các công trình xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, chất thải rắn xây dựng có đặc thù khác so với chất thải rắn sinh hoạt, cả về tỷ trọng và tỷ lệ, do vậy cách thức thu gom cũng rất khác nhau. “Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố, đề nghị ngành tài nguyên và môi trường phố hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện xác định quy mô diện tích các bãi chứa và xử lý tạm chất thải rắn xây dựng, đảm bảo công tác phân loại và quy chế vận hành”, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam yêu cầu.

Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ dự án SATREPS về công tác quản lý bền vững và tìm kiếm giải pháp xử lý chất rắn xây dựng giữa 3 bên: Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và hai đơn vị đồng thực hiện dự án SATREPS là Đại học Saitama, Nhật Bản và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác