Thông tin báo chí ngày 23/6
Đăng ngày 23-06-2017 10:28, Lượt xem: 184

Các thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày hôm nay:

1/ Báo Đà Nẵng có các tin, bài:

- Dân không chịu di dời khỏi nhà liên kế:

+ Khoảng 30 hộ dân trước đây thuộc diện giải tỏa một số dự án được bố trí tại các gian nhà liền kề (liên kế) thuộc dãy D, E, F và G tại khu dân cư (KDC) Nam cầu Cẩm Lệ (thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) kiến nghị hóa giá nhà để sửa chữa hoặc xây mới kiên cố, tiện nghi hơn, chứ không đồng ý di chuyển vào ở khu chung cư trên địa bàn thôn.

Hiện nay, các dãy nhà liên kế đã xuống cấp (qua quá trình sử dụng gần 10 năm), không an toàn để ở, UBND thành phố có chủ trương di dời các hộ vào ở tại nhà A-F thuộc khu chung cư Nam cầu Cẩm Lệ (thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu). Đến nay, một số hộ đã thực hiện chủ trương di dời và bàn giao mặt bằng, còn khoảng 30 hộ chưa di dời. UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Châu, Công ty Quản lý nhà chung cư và các đơn vị liên quan tổ chức họp các hộ dân vận động di dời nhiều lần, nhưng vẫn không thực hiện mà đề nghị được hóa giá gian nhà liên kế.

- Người dân Hòa Ninh "khát" nước máy:

+ Suốt cả tháng nay, nguồn nước máy cung cấp cho sinh hoạt ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) luôn trong tình trạng thiếu hụt.

 sáng 21-6, chúng tôi có mặt ở xã Hòa Ninh để tìm hiểu về tình hình sử dụng nước sạch của người dân. Đi đến đâu cũng nghe các hộ than thở: Nước máy yếu quá, không đủ nấu nướng, tắm, giặt. Đưa chúng tôi đến vòi nước máy của gia đình, nhìn dòng nước chảy nhỏ giọt vào chiếc thùng nhựa, ông Trương Lý (trú thôn Sơn Phước) than vãn: “Mới 10 giờ sáng mà nước yếu thế này, buổi chiều không có lấy một giọt”. Thời tiết nắng nóng gay gắt, để có nước sử dụng cho 6 người trong gia đình cũng như phục vụ sản xuất, chăn nuôi, gia đình ông Lý phải tận dụng cái chum vốn dùng để nấu rượu và gần chục thùng sơn nước cũ trữ nước. Dù dùng hết sức dè dặt trong ngày nhưng nguồn nước dự trữ vẫn không đủ phục vụ sinh hoạt gia đình.

Ở thôn Đông Sơn, tình trạng thiếu nguồn nước máy sinh hoạt cũng khá phổ biến. Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (trú tổ 1 thôn Đông Sơn) cho hay, khoảng 9, 10 giờ sáng là không có nước dùng. Để có nước phục vụ sinh hoạt gia đình, vợ chồng chị phải mua bồn nước về dự trữ. Nhưng nguồn nước dự trữ trong bồn cũng không nhiều nên việc sinh hoạt khó khăn. “Tầm 22 giờ, nguồn nước máy mạnh nhưng đến sáng lại yếu dần rồi hết hẳn. Ai nhanh chân thì lấy thùng dự trữ, nếu không thì ngày hôm sau không có nước dùng”, chị Thủy cho biết. Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Ninh, tình trạng khan hiếm nguồn nước máy xảy ra trên địa bàn xã suốt tháng nay. Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, chính quyền địa phương đã phản ánh sự việc với UBND huyện Hòa Vang, Xí nghiệp Cấp nước Liên Chiểu để có hướng giải quyết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng sáng 21-6, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Liên Chiểu thừa nhận tình trạng thiếu hụt nguồn nước máy ở một số thôn trên địa bàn xã Hòa Ninh là có thật, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước máy của người dân tăng cao. Bể dự trữ nước trạm DT 602 Hòa Sơn không đủ nguồn cung cấp. Vì vậy, để phục vụ một phần nhu cầu của người dân, từ 21 giờ hằng ngày, nguồn nước được bơm vào bể đến 10 giờ sáng hôm sau. Riêng buổi chiều, các khu dân cư trên địa bàn xã Hòa Ninh không có nước máy nên ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Cũng theo ông Đức, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang làm thủ tục trình UBND thành phố khai thác nguồn nước ở Khe Lạnh (xã Hòa Ninh) để bổ sung nguồn nước trong thời gian đến phục vụ người dân.  

  2/ Báo Nhân Dân:

 - Liên kết phát triển du lịch tại miền Trung, khai thác chưa hiệu quả:

+ Du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, mô hình liên kết ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn đơn điệu, nghèo nàn. Để phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, ba địa phương cần có những sự hợp tác, liên kết mạnh mẽ hơn nữa.

 Mô hình liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được xem là điển hình trong các mối liên kết phát triển du lịch vùng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, sự liên kết chỉ dừng lại ở những định hướng trong chiến lược phát triển. Cách quản lý điểm đến hiện nay vẫn điều hành theo sự phân chia địa giới và tổ chức hành chính. Do đó, trong phối hợp còn những rào cản, giới hạn về chức năng, nhiệm vụ cũng như phân định quyền hạn, trách nhiệm về mặt hành chính, chưa thuận lợi để cùng bàn, cùng làm.

       Đối với công tác xúc tiến liên kết vẫn còn trở ngại như chậm trễ về thông tin, kinh phí và nội dung liên kết chưa thật sự rõ ràng; sức cạnh tranh của ngành kinh tế du lịch bộc lộ nhiều điểm yếu. Phần lớn, doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch chưa chuyên nghiệp; thiếu các điểm tham quan nổi trội, nhất là các khu vui chơi giải trí, các điểm biểu diễn nghệ thuật, các dịch vụ du lịch về đêm... vì thế chưa thật sự tạo ấn tượng đối với khách tham quan. Các doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành chưa liên kết với nhau để tạo ra những sản phẩm dùng chung cho ba địa phương. Chất lượng dịch vụ, chất lượng các sản phẩm du lịch còn thấp do chưa có chiến lược đầu tư đồng bộ và hiệu quả, hình ảnh đặc trưng, nổi trội cho sản phẩm của ba tỉnh, thành phố chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả. Một số sản phẩm du lịch truyền thống thiếu sức cạnh tranh do chưa nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý chất lượng dịch vụ; quản lý kinh doanh còn nhiều bất cập, làm giảm sức thu hút du lịch so với một số địa phương trong cả nước.

  3/ Các tin khác:

- Lãnh đạo thành phố tiếp Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Colombia tại Việt Nam:

+ Chiều 22-6, tại buổi tiếp bà Claudia Liliana Zambrano Naranjio, Đại biện – Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Colombia tại Việt Nam nhằm trao đổi cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh giới thiệu về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng cũng như tiềm năng và thế mạnh của thành phố. Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, trong những năm tới, Đà Nẵng định hướng phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao như du lịch, tài chính-ngân hàng, giáo dục…; đồng thời tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường…Theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, đến tháng 6-2017, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 36 địa phương thuộc 19 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đà Nẵng mong muốn thời gian tới, Đà Nẵng và các địa phương của Colombia sẽ ký biên bản ghi nhớ về sự hợp tác.

- Triển khai công tác đảm bảo ANTT cho đêm chung kết lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 (DIFF 2017):

+  Phó Giám đốc CATP yêu cầu CA các đơn vị, địa phương, phòng, ban nghiệp vụ CATP phải phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức, các ngành chủ động tốt mọi phương án để đêm chung kết diễn ra an toàn tuyệt đối, để lại ấn tượng tốt cho nhân dân và du khách.

 - 'Cháy' vé đêm chung kết pháo hoa quốc tế Đà Nẵng

+ Hơn 9.000 vé xem pháo hoa trong đêm chung kết đã được ban tổ chức bán hết. Nhiều người lỡ hẹn với đêm thi cuối cùng do không mua được vé.

- Đà Nẵng: Tăng 50% lượng du khách trong lễ hội pháo hoa

+ Đại diện Ban Tổ chức DIFF cho biết, trong hai tháng diễn ra Lễ hội pháo hoa, số lượng khách du lịch tới Đà Nẵng đã tăng 50%.

-  Chi phí đầu tư cho Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hơn 129 tỷ đồng:

+ Ông Đặng Minh Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng đã được tổ chức với một lượng nhân sự lớn nhất từ trước tới nay, bao gồm hơn 5.000 chiến sỹ an ninh, công an nhân nhân dân, lực lượng phòng cháy chữa cháy, bộ đội biên phòng, bác sĩ, nhân viên ngành viễn thông, ngành điện, lực lượng dân phòng…cùng hàng trăm cán bộ nhân viên của các Sở, ban ngành của thành phố, gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên, 500 cán bộ của Sun Group cùng hàng trăm nhân viên các nhà thầu. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí đầu tư cho Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng hơn 129 tỷ đồng. Số kinh phí từ các nhà tài trợ bao gồm cả hiện vật được quy đổi hơn 37,5 tỷ đồng. Số lượng vé xem pháo hoa bán ra là 41.420 vé, số vé biếu tặng 56.474 vé. Doanh thu từ bán vé hơn 16,2 tỷ đồng.

 

ANH TRỊNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT