Tiếp sức doanh nghiệp từ hỗ trợ khuyến công
Đăng ngày 12-07-2017 13:18, Lượt xem: 264

Năm 2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 33/2016/QĐ -UBND về chính sách khuyến công địa phương. Sự ra đời của chính sách mới này cùng với nguồn khuyến công quốc gia tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn Đà Nẵng vươn lên trong khó khăn.

Năm 2016 chỉ có 13 đề án khuyến công với tổng kinh phí 1,26 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 700 triệu đồng cho 3 đề án, khuyến công địa phương là 560 triệu đồng cho 10 đề án. 6 tháng đầu năm 2017, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng cho 24 đề án. Từ việc hỗ trợ máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các đối tượng nhận hỗ trợ có thêm động lực mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng (Sở Công thương), năm 2017 có 10 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn nằm trong danh sách hỗ trợ kinh phí của thành phố gồm: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tôi là V - Chi nhánh Đà Nẵng tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (máy làm tỏi đen công nghiệp); Hợp tác xã sản xuất thảm chân Xuân Phát tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (máy đánh tơi vải); Công ty TNHH MTV Nafisa và Công ty TNHH mắm Hồng Hương (máy chiết rót/máy lọc nước mắm) thuộc Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô; Công ty TNHH sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu Hương Quế (máy cắt ép thủy lực); Công ty TNHH Sản xuất và thương mại VietStart (máy khắc laser ruidi); Tổ hợp tác sản xuất chổi đót phường Hòa Hiệp Nam (máy tuốt chà bông); cơ sở Đặng Quang Cường (máy tiện CNC); cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thanh Thiện (hệ thống khoan, đục, mài bằng khí nén); Công ty TNHH nến Hướng Dương (máy Pillar, nồi nấu sáp điện tử).

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí quốc gia đợt 1 dành cho đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị” cho xưởng sản xuất ván ép công nghiệp tại Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) và đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm tay cầm khóa cửa bằng inox” cho cơ sở Nguyễn Tri Vinh (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Hai đề án này đã hoàn thiện đầu tư máy móc thiết bị, đang sản xuất thử và cân chỉnh máy móc, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 3-2017 với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.

Nhà xưởng đầu tư trên 5 tỷ đồng sản xuất ván gỗ của Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trước khi được nhận kinh phí hỗ trợ mua sắm máy móc, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp hạn chế về năng lực quản trị, nhất là nguồn vốn. Nhiều thời điểm các doanh nghiệp còn “hụt hơi”, không tìm được giải pháp cho hoạt động của mình. Cơ sở sản xuất Inox Nguyễn Tri Vinh (Hòa Sơn) là một ví dụ.

Đây vốn là cơ sở công nghiệp nông thôn siêu nhỏ, vài công nhân trong xóm sản xuất nhỏ lẻ mỗi ngày được 150-200 sản phẩm, kèm theo nỗi lo không biết có thể tiếp cận được thị trường hay không. Từ khi được các cán bộ khuyến công thành phố đến tận nơi đặt vấn đề hỗ trợ, chủ cơ sở còn không tin rằng mình được hỗ trợ, thậm chí còn nghĩ có người đến “lừa đảo”.

Chủ cơ sở Nguyễn Tri Vinh bày tỏ niềm vui: “Nhờ có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời từ khuyến công, dù là cơ sở nhỏ nhưng chúng tôi đã có tới 50 nhân công trình độ lành nghề hằng ngày sản xuất ổn định. Hiện chúng tôi liên tục có sản phẩm mới đưa ra thị trường, làm tới đâu có người đến hợp đồng mua và phân phối đi cả nước. Bây giờ không lo sản phẩm làm ra không bán được, mà ngược lại rất lo vì sản xuất không kịp đơn đặt hàng...”.

Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn cũng là cơ sở sản xuất nhỏ đi lên được nhận hỗ trợ 2 lần từ chương trình khuyến công. Giám đốc công ty, ông Trương Phú Sơn, chia sẻ:

“Trước đây, công ty chỉ sản xuất cầm chừng vì đầu ra chưa ổn định. Từ khi có thêm kinh phí, chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng sấy ván gỗ trên 5 tỷ đồng, nhờ đó tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn nhiều. Bạn hàng từ Nhật Bản tìm đến làm ăn với chúng tôi. Tôi cho rằng, sự hỗ trợ về vật chất tuy nhỏ nhưng rất đáng quý vì qua đó đã hỗ trợ về tinh thần rất nhiều cho doanh nghiệp. Đây là sự hỗ trợ hết sức thiết thực để doanh nghiệp lớn mạnh hơn trong thời gian tới”.

Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động khuyến công của thành phố hiện vẫn gặp những khó khăn như phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn hình thành tự phát, sử dụng diện tích sinh hoạt làm nơi sản xuất nên ảnh hưởng đến môi trường cũng như việc đầu tư mở rộng sản xuất, đội ngũ lao động còn thiếu chuyên nghiệp, cơ sở thiếu đa dạng hóa sản phẩm…

Do đó, thành phố Đà Nẵng sẽ đưa hoạt động khuyến công tập trung hướng vào hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, khôi phục và phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng cho biết: “Xác định mục tiêu luôn đồng hành với doanh nghiệp, khi triển khai hỗ trợ khuyến công, chúng tôi bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm để tránh lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn những đề án có sức lan tỏa lớn, khai thác được lợi thế của địa phương và mang lại lợi ích cao, hiệu quả lớn. Mặc dù nguồn hỗ trợ từ ngân sách chưa nhiều nhưng việc hỗ trợ các đề án trong nhiều năm qua đã trở thành điểm tựa giúp doanh nghiệp thụ hưởng phát triển bền vững hơn”.

 

 Theo Báo Đà Nẵng

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT