Để hội nhập thực sự sâu rộng, đối ngoại nhân dân (ĐNND) được xác định là cánh tay nối dài của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, vươn đến tiếp cận mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới. Với yêu cầu đó, Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường và đổi mới công tác ĐNND”, góp phần mở rộng, tăng hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại, nâng cao vị thế của Đà Nẵng với bạn bè quốc tế, tạo nguồn lực cho thành phố phát triển.
Thông qua hoạt động đối ngoại nhân dân, đã có nhiều tổ chức nước ngoài đến thăm, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam
Kết nối Đà Nẵng với thế giới
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU lan tỏa, tác động rộng khắp đến nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Với phương châm “Kết nối Đà Nẵng với thế giới”, đến nay thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác 39 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với 77 thỏa thuận được ký kết còn hiệu lực.
Ông Huỳnh Đức Trường, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (gọi tắt là Liên hiệp) thành phố cho biết, Liên hiệp phát huy vai trò nòng cốt, chủ động trong phối hợp thực hiện công tác ĐNND. Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với 65 tổ chức nhân dân ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cơ sở định hướng đối ngoại là tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức, địa phương từ các nước là bạn bè láng giềng, bạn bè truyền thống, thành viên khối ASEAN, đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Bên cạnh đó, số lượng đoàn vào, đoàn ra trong 10 năm qua của thành phố không ngừng gia tăng với 3.015 đoàn khách quốc tế theo kênh ngoại giao Nhà nước và cả chục ngàn đoàn khách quốc tế theo kênh ngoại giao nhân dân. Thành phố cũng đã tổ chức được nhiều đoàn ra nước ngoài, trong đó có 55 đoàn lãnh đạo thành phố, 2.009 đoàn với 4.611 lượt cán bộ đi công tác nước ngoài để mở rộng quan hệ với các đối tác, xúc tiến đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, giao lưu nhân dân...
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài có bước chuyển rõ rệt khi chủ động tiếp cận các cơ hội hợp tác phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Đến nay, thành phố có hơn 486 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,25 tỷ USD từ 38 quốc gia/vùng lãnh thổ; có 152 tổ chức quốc tế, quỹ doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đang hoạt động. Ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài, Đà Nẵng còn hướng đến đầu tư, hỗ trợ nước láng giềng Lào, cụ thể như: hỗ trợ giai đoạn 2008-2012 là 57,234 tỷ đồng, giai đoạn 2013-2017 là 50 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2023 cam kết 100 tỷ đồng.
Góp phần thực hiện hiệu quả an sinh xã hội
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 1.300 chương trình, dự án, viện trợ lẻ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, quỹ doanh nghiệp nước ngoài với tổng kinh phí cam kết hơn 1.574 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, giảm nghèo, hỗ trợ xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó Liên hiệp trực tiếp vận động được gần 35 tỷ đồng. Tính đến 15-5-2017, toàn thành phố có 169 tổ chức PCPNN có quan hệ viện trợ với Đà Nẵng, nổi bật có một số dự án trị giá lên đến hàng triệu USD.
Các hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội đã đóng vai trò nòng cốt trong công tác vận động viện trợ PCPNN nhằm hỗ trợ các đối tượng yếu thế, thu được nhiều kết quả. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các tổ chức đoàn thể đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phối hợp triển khai và quản lý các chương trình/dự án PCPNN, góp phần hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của thành phố. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án xây dựng, cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung bướu và dự án xây dựng Viện Anh ngữ, xây dựng 400 nhà tái định cư phường Nại Hiên Đông do tổ chức Atlantic Philanthropies (Hoa Kỳ) tài trợ gần 23 triệu USD; dự án xây dựng trường mầm non cho con em Khu Công nghiệp Hòa Khánh do Half the Sky (Hoa Kỳ) tài trợ với giá trị 3,4 triệu USD; dự án phát triển vùng huyện Hòa Vang với kinh phí 31,5 tỷ đồng; chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh cho trên 800 trẻ em nghèo bất hạnh và tổ chức nuôi dạy 113 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa tại Làng Hy Vọng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng; dự án chăm sóc mắt học đường do tổ chức Fred Hollows Foundation (Úc) tài trợ với kinh phí 6 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, thành phố đã chú trọng triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các Việt kiều có quê quán Đà Nẵng tham gia vào các hoạt động xây dựng, phát triển quê hương. Hiện thành phố có trên 8.000 kiều bào, chủ yếu sinh sống tại Hoa Kỳ. Thành phố đã có những chính sách hết sức thuận lợi cho Việt kiều, như: tư vấn và cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, lưu trú của Việt kiều; thiết lập chuyên mục dành cho người Việt Nam ở nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của thành phố; gặp gỡ kiều bào về quê đón Tết; thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân kiều bào. Đến nay, thành phố có 55 doanh nghiệp kiều bào tham gia góp vốn với tổng giá trị đầu tư 1.802,6 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt trên 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp ở các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thời gian tới, với vai trò, vị trí của mình, tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế ở thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra nhanh và ngày càng nhiều hơn, mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức phải đối mặt. Do đó, thành phố xác định hoạt động ĐNND cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả, tạo nên những bước phát triển mới, đột phá hơn, toàn diện hơn, góp phần giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi và nâng cao hình ảnh, vị thế của Đà Nẵng trong mắt bạn bè quốc tế; tranh thủ các nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển thành phố văn minh, giàu đẹp.
Theo Báo Đà Nẵng