Bổ sung cống thoát lũ qua đường ADB5 (đường Hòa Tiến - Hòa Phong), bổ sung cống hoặc cầu qua đường vành đai phía nam nối dài (đường Hòa Phước - Hòa Khương). Sa thải tài xế taxi hãng Hải Vân “chặt chém” du khách Hàn Quốc, cống xả thải đe dọa môi trường biển Đà Nẵng, ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn, tình trạng đốt rác tại các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm đò ngang trên Âu thuyền Thọ Quang, tháo gỡ khó khăn du lịch đường sông, tạp chất trong tôm sú, ngộ độc thực phẩm, giang hồ hoành hành Làng đá mỹ nghệ Non Nước, tình hình sốt xuất huyết lây lan,.. là những thông tin báo, đài tuần qua phản ảnh từ ngày 07-8 đến ngày 11-8 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể:
1/ Báo Đà Nẵng :
- Bổ sung cống thoát lũ tại xã Hòa Tiến :
+ Thời gian qua, người dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) kiến nghị bổ sung hoặc mở rộng các cầu, cống tại các tuyến đường để bảo đảm thoát lũ.Theo đó, cử tri kiến nghị bổ sung cống thoát lũ qua đường ADB5 (đường Hòa Tiến - Hòa Phong), bổ sung cống hoặc cầu qua đường vành đai phía nam nối dài (đường Hòa Phước - Hòa Khương)...Trên địa bàn xã Hòa Tiến, trong đợt lũ xảy ra ngày 15 và 16-12-2016, nhiều khu vực dân cư gần như bị ngập sâu do đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hòa Tiến - Hòa Phong và đường Hòa Phước - Hòa Khương “bao vây”. Đặc biệt, nhiều khu vực dân cư vốn cao ráo, trước đây ít ngập hoặc chỉ ngập cạn, nhưng trong đợt lũ đã bị ngập sâu. Nhiều nhà bị ngập lũ sớm và rút chậm…
- Du lịch đường sông Đà Nẵng: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ:
+ Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng nỗ lực phát triển du lịch đường sông, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động du lịch trên sông Hàn.
Trong số 24 tàu đang hoạt động trên sông Hàn, ngoài một số tàu được đóng mới, một số tàu được hoán cải từ tàu cá, những chủ đầu tư đã mạnh dạn đưa về Đà Nẵng những con tàu lớn, chất lượng 5 sao như: tàu Harem của Công ty CP Đầu tư Hoàng Gia, tàu Marry Land của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy - tàu có vỏ làm bằng chất liệu composite đầu tiên của Đà Nẵng; mới đây nhất là sự xuất hiện của “công chúa” Han Princess của Công ty TNHH MTV Du thuyền Viet Princess - Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong số các tàu chất lượng đạt tiêu chuẩn 5 sao, chỉ còn tàu Han Princess đang hoạt động trên sông Hàn.
Theo anh Bùi Anh Tuấn, quản lý tàu Han Princess, khi quyết định đóng một con tàu lớn có chất lượng dịch vụ cao cấp tại Đà Nẵng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Du thuyền Viet Princess - Đà Nẵng đã khảo sát, tìm hiểu kỹ về hoạt động đường sông tại đây.Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động mới thấy còn nhiều khó khăn. Tàu về Đà Nẵng đúng dịp Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017) vừa qua tưởng thuận lợi nhưng gặp khó do phải di dời bến neo đậu. Han Princess muốn mang đến cho khách du lịch dịch vụ chất lượng, hướng đến đối tượng khách cao cấp, giá dịch vụ khá cao nhưng không được cấp tuyến từ cầu Trần Thị Lý ra vịnh Đà Nẵng; trong khi đó, lộ trình chạy từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý quá ngắn, không đủ chi phí để trang trải cho tàu hoạt động và cũng khó thu hút khách.
- Phản ảnh về tình trạng đốt rác bừa bãi ở nhiều khu dân cư:
+ Thời gian qua, ở nhiều khu dân cư (KDC) vẫn xảy ra tình trạng đốt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ. Chạy nháo nhào vì… đốt rác
Khoảng 1 giờ 30 ngày 6-6, tại công trình đối diện căn nhà số 36 Đỗ Bí, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) xảy ra vụ cháy, khói mù mịt khiến người dân hoảng sợ. Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 3 (Cảnh sát PCCC Đà Nẵng) điều 2 xe chuyên dụng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đến hiện trường dập lửa. Nguyên nhân được xác định là do bảo vệ của công trình đang đốt rác để dọn vệ sinh cho công trình thì bất ngờ đám cháy bùng phát lớn….Theo ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, tình trạng người dân tùy tiện đốt rác thải trong KDC, cũng như bỏ than, vứt tàn thuốc vào thùng rác gây cháy, hư hỏng thùng rác xảy ra khá nhiều. Mỗi lần phát hiện thùng rác hư hỏng do bị đốt, công ty phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đa số các vụ việc không tìm được thủ phạm. Để hạn chế tình trạng người dân đốt rác bừa bãi trong KDC gây ô nhiễm môi trường, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thường xuyên chỉ đạo xí nghiệp môi trường các quận, huyện mỗi lần tham gia họp tổ dân phố, KDC… thì phổ biến quy định, vận động người dân không nên tùy tiện đốt rác, mà hãy bỏ rác vào thùng theo quy định để công nhân, xe chở rác đến thu gom. “Chức năng của chúng tôi không thể ngăn cản, xử lý hành vi người dân tự ý đốt rác. Vì thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường”, ông Vũ nói thêm.
2 / Báo Công an Đà Nẵng :
- Xem thường Luật Giao thông đường bộ:
+ Mặc dù các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT và TTGT liên tục xử phạt các trường hợp vi phạm Luật GTĐB, đặc biệt là những lỗi vi phạm dễ dẫn đến tai nạn giao thông, thế nhưng vẫn còn không ít người cố tình vi phạm như chở quá tải, cồng kềnh… Đề nghị các đơn vị chức năng nên xử phạt thật nặng những vi phạm kiểu như trên để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
- “Diện kiến” những nơi mầm bệnh sốt xuất huyết phát triển:
+ Hàng ngàn lô đất bỏ hoang, nhiều dự án, khu tái định cư triển khai chậm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm tập kết rác thải, những vật dụng chứa nước, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, những nơi đó được xem là môi trường tốt để dich sốt xuất huyết phát triển nhưng nhiều địa phương vẫn còn khó khăn, lúng túng cũng như không có kinh phí để dọn dẹp…
- Khu đô thị không lối thoát hiểm:
+ Tại một số tuyến đường của Dự án khu đô thị mới Phương Trang làm chủ đầu tư, các lô đất không được bố trí lối thoat hiểm sau nhà mà tường nhà náy sát tường nhà kia nên rất bí. Một hộ dân tổ 13b (P.Hoà Minh) cho biết năm 2016, họ trả tiền mua lô đất có diện tích 5x 20m với giá 7,5 triệuđồng/m2, nhưng đến khi làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng thì ngành chức năng Q.Liên Chiểu yêu cầu lùi vào gần 1m để chừ lối thoát hiểm mới cấp phép xây dựng… Rõ ràng chủ đầu tư phân lô không chừa lối thoat hiểm phía sau là không hợp lý nhưng điều đáng nói là các cơ quan chức năng lại chấp thận phê duyệt đến nay những người xây dựng sau thấy bất cập lại yêu cầu lùi vào 1m để làm lối thoát hiểm…
3/ Đài VOV:
- Cống xả thải đe dọa môi trường biển Đà Nẵng:
+ Hàng trăm công trình, nhà hàng, khách sạn dọc các bãi biển của thành phố Đà Nẵng xả thải trực tiếp ra biển khiến dư luận bất bình. Những ngày vừa qua, CTCP Xây dựng Hồng Trí Việt, nhà thầu thi công công trình khách sạn trong Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1, tại lô A3 đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn trong quá trình thi công tầng hầm đã hút nước từ hố móng xả trực tiếp không phép ra biển. Đây chỉ là một trong hàng trăm công trình, nhà hàng, khách sạn dọc các bãi biển của thành phố Đà Nẵng xả thải trực tiếp ra biển khiến dư luận bất bình.
- Phạt tiểu thương chợ hải sản Đà Nẵng vì sử dụng chất tăng trọng:
+ Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện tạp chất tăng trọng trong tôm sú bán ở chợ hải sản, đường Yên Khê 2, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Trước đó, khoảng sáng 20/7, một phụ nữ đi chợ hải sản mua 2kg tôm sú, khi về rửa thì bà thấy hiện tượng lạ như cứng bất thường, lột vỏ tôm bên trong có chất trong, cứng giống như tạp chất tiêm vào tôm để tăng trọng mà dư luận đã cảnh báo. Người phụ nữ này đã bảo quản số tôm vừa mua để làm bằng chứng và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản liên hệ người tố giác tiến hành xác minh sự việc. Ngày 25-7, các đơn vị liên quan phối hợp tổng kiểm tra các hộ kinh doanh hải sản tươi sống ở chợ hải sản và lấy mẫu tôm sú xét nghiệm.Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 phát hiện mẫu tôm sú ở quầy bà Mai Thị Cúc có chứa tạp chất Agar.
4/ Báo Người Lao động:
- Nguy hiểm đò ngang TP Đà Nẵng
+ Có hàng trăm lượt đò ngang vận chuyển thuyền viên từ bờ lên các tàu cá đang neo đậu trên âu thuyền Thọ Quang qua vịnh Mân Quang (TP Đà Nẵng) và ngược lại mỗi ngày.
Hầu như trên các ghe đều không có phao cứu sinh và áo phao cho khách, trong khi nhiều tàu cá công suất lớn thường xuyên hoạt động tại đây gây sóng lớn.Theo UBND quận Sơn Trà, số lượng ghe hoạt động hơn 40 chiếc (24 ghe chèo và 19 ghe máy). Riêng một số phương tiện tàu xa bờ có trang bị thúng máy (dạng tàu mẹ, tàu con) thì sử dụng thúng gắn máy ra vào bờ hằng ngày. "UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, UBND phường Nại Hiên Đông yêu cầu các chủ ghe phải thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển khách, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm an toàn cho hành khách. Các cơ quan đã xử phạt 9 trường hợp vi phạm" - ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết
5/ Báo Tiền phong: Bệnh viện khẩn cầu thành phố không đóng dải phân cách:
+ Trung tâm y tế quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vừa có văn bản khẩn, gửi lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và cơ quan chức năng về việc kiến nghị không đóng dải phân cách đường Ngô Quyền ngay trước cổng trung tâm Trung tâm y tế quận Sơn Trà gồm 2 cơ sở, nằm đối diện trên trục đường 2 chiều Ngô Quyền. Trước đây, đường Ngô Quyền được mở rộng, ngay khu vực trung tâm y tế quận có một dải phân cách. Nhưng sau đó, xem xét nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong công tác vận chuyển cấp cứu, trung tâm đã kiến nghị và dải phân cách này đã được mở ngay trước khu vực của trung tâm. Theo nội dung công văn số 4365 ngày 12/6 vừa qua của UBND TP Đà Nẵng về việc điều chỉnh tổ chức giao thông đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn thì dải phân cách này phải đóng lại…
6/ Báo Pháp luật VN: Đà Nẵng: Lao đao “ốc đảo” Đồng Nò:
+ Nằm lọt thỏm và được xem như là “ốc đảo” bởi nhánh sông với nhiều ao hồ, ruộng đồng ngập nước quanh năm. Mặc dù từ năm 2006 đã có chủ trương thu hồi toàn bộ diện tích đất khu vực này để triển khai xây dựng dự án khu đô thị sinh thái biệt thự làng quê, nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Hệ lụy khiến cơ sở hạ tầng, nhà cửa xuống cấp, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn…Nhọc nhằn vì nước… Đó là tổ 108 và tổ 109 khối Đồng Nò, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) có diện tích hơn 34ha với 78 hộ dân (hơn 320 nhân khẩu) đang sinh sống và đều là lao động nghèo, làm nông, nuôi thủy sản, làm thuê phụ việc cho các quán xá, nhà hàng, công trình xây dựng…
7/ Báo Đầu tư
- Đà Nẵng không gây khó khăn và bất lợi cho doanh nghiệp
+ Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị... thống nhất cách hướng dẫn cho doanh nghiệp về cùng một vấn đề để không gây khó khăn và bất lợi cho doanh nghiệp. UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cụ thể, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan thống nhất cách hướng dẫn cho doanh nghiệp về cùng một vấn đề để không gây khó khăn và bất lợi cho doanh nghiệp.
8 /Báo Người Đưa tin:
- Đà Nẵng: Hãi hùng phát hiện tôm sú "nhồi" tạp chất:
+ Sáng10/8, tin từ chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.Đà Nẵng, đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt tiểu thương Mai Thị C., chủ một quầy hàng tại chợ Hải sản quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng số tiền 4 triệu đồng vì hành vi không lưu giữ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu.Trước đó, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về nghi vấn số tôm sú họ mua từ quầy hàng của bà C. có biểu hiện bất thường, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, trong tôm có lẫn tạp chất Agar.Sau khi tiếp nhận thông tin tố giác, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Kết quả kiểm tra khiến nhiều người hãi hùng khi loại tạp chất Agar được "nhồi" vào tôm
9/ Báo Tuổi trẻ:
- Bãi rác Đà Nẵng “tiến thoái lưỡng nan”:
+ Nhiều năm qua, bãi rác Khánh Sơn, bãi chứa rác thải rắn duy nhất ở TP. Đà Nẵng trở thành nỗi ám ảnh của người dân quanh vùng vì ô nhiễm. Người dân phản ứng mạnh, lãnh đạo TP nhiều lần đối thoại với dân và khẳng định thời gian đóng bãi rác này là trước năm 2020 …Thông tin kéo dài thời gian tồn tại tại bãi rác Khánh Sơn khiến người dân trong khu vực phản ứng… Trong khi đó , tại nơi dự kiến làm bãi rác mới là khu vực eo gió Phước Tường (thôn Phước Hậu, xã Hoà Nhơn, H.Hoà Vang), người dân lẫn chính quyền địa phương đều không đồng tình đặt bãi rác tại đây…
10/ Báo Tài nguyên & Môi trường:
- Làng đá mỹ nghệ Non Nước: Giang hồ tiếp tục hoành hành:
+ Báo Điện tử TN&MT ngày 16/7/2017 có bài viết: “Đà Nẵng: Bảo kê hoành hành,Làng đá mỹ nghệ khốn đốn”, trong đó có phản ánh về việc Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) hiện đang bị một nhóm du côn địa phương ép nộp tiền bảo kê cho từng xe đá vận chuyển. Nguy hiểm hơn, băng nhóm này đã dần đi vào hoạt động có tổ chức: thành lập đơn vị thu mua đá, nuôi dưỡng các“giang hồ nhí” và sẵn sàng đập phá tài sản của những người lao động chân chính.
- Ngang nhiên đập phá tài sản:
+ Cuối giờ chiều ngày 5/8/2017, đường dây nóng Báo TN&MT tại miền Trung nhận được phản ánh của bà con phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn về việc một băng nhóm giang hồ, giữa ban ngày ban mặt ngang nhiên đem hung khí, gậy gộc vào nhà dân tìm đánh người, đập phá tài sản khiến người dân hết sức hoang mang.
Khi PV Báo TN&MT có mặt tại khu vực xảy ra vụ việc, những nhân chứng xung quanh cho biết: khoảng 16h20 ngày 5/8/2017, một nhóm giang hồ gồm 6 đối tượng đã xông vào nhà ông Tâm (một người dân hoạt động trong Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước) để tìm đánh, rất may khi đó gia đình ông không có ai ở đó nên thoát nạn. Các đối tượng này sau đó đã hủy hoại tài sản, đập vỡ một chiếc kính sau xe ô tô Hyundai Tucson trị giá cả tỉ đồng của gia đình ông Tâm đang để trong sân. Sau khi đập phá, các đối tượng này còn lớn tiếng cảnh cáo, đe dọa những người dân xung quanh. Sau đó 2 ngày (ngày 7/8), khi ông Tâm cho xe cẩu hành nghề tại làng đá mỹ nghệ, các đối tượng trên lại tiếp tục gọi điện đến đe dọa gia đình ông Tâm và khẳng định: đó mới chỉ là cảnh cáo, nếu “còn chưa kinh, còn tiếp tục lỳ thì hậu quả sẽ khó lường”. Khi PV liên lạc với ông Tâm, ông chỉ xác nhận có sự việc như trên nhưng không muốn nói thêm vì hiện nay gia đình ông đang rất hoang mang và mất lòng tin…
11/ Báo Công an Nhân dân:
- Sa thải tài xế taxi “chặt chém” du khách nước ngoài
+ Chiều 7-8, Giám đốc Công ty CP Việt Đăng Khoa (Đà Nẵng) đã ký quyết định sa thải tài xế Nguyễn Trường Giang do đã lấy tiền của khách gấp hơn 10 lần cước phí theo đồng hồ tính cước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín công ty.
12/ Một số thông tin khác các báo đăng tải :
- Bàn giao 12,7 hecta đất đã qua xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng:
+ Ngày 9/8, tại sân bay Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký thỏa thuận bàn giao 12,7 hecta đất đã được xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông vận tải quản lý.Diện tích đất sau khi xử lý, tẩy độc dioxin được sử dụng để mở rộng các hạng mục của sân bay quốc tế Đà Nẵng.
- Tài xế taxi hãng Vinasun Green ở Đà Nẵng nhặt được tài sản 1 tỉ đồng trả lại cho khách:
+ Ngày 9.8, ông Lê Nguyễn (chủ một doanh nghiệp quảng cáo tại TP.Đà Nẵng) gửi thư đề nghị Công ty CP Ánh Dương Xanh Việt Nam (hãng taxi Vinasun Green, 277 Nguyễn Hữu Thọ, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) khen thưởng tài xế taxi là anh Trần Viết Thêm (đội 1) điều khiển đã đón khách. Tuy nhiên, sau khi trả khách và ra về, anh Thêm phát hiện ở trên băng ghế để quên 1 chiếc ví, điện thoại Vertu và iPhone, cùng tiền mặt khoảng 600 triệu đồng, tổng giá trị tài sản gần 1 tỉ đồng.Anh Thêm lập tức báo về tổng đài Vinasun Green, đồng thời quay xe lại tìm ông Lê Nguyễn để bàn giao đầy đủ tài sản
- Đà Nẵng sẽ có gần 20.000 phòng khách sạn trong năm 2019:
+ Đó là thông tin được CBRE Việt Nam chia sẻ lại buổi Công bố tiêu điểm quý 2/2017 thị trường bất động sản Đà Nẵng diễn ra sáng 9/8.Theo thông tin được CBRE chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Đà Nẵng đón nhận thêm 1 khách sạn 5 sao và 4 khách sạn 4 sao, cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung khách sạn 3-5 sao lên 12.969 phòng.Tính đến cuối năm 2017, dự kiến thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014 – 2017.
Dự báo trong 2 năm đến, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7 - 9% mỗi năm. Đến năm 2019, thị trường dự kiến có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3-5 sao.
- Đà Nẵng: Khẩn trương rà soát, quy hoạch vùng nuôi cá tại đoạn sông bị ô nhiễm:
+ Liên quan đến sự cố hàng chục tấn cá nuôi chết trắng trên sông Cổ Cò, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng khẳng định tại khu vực nuôi cá có dấu hiệu ô nhiễm chất dinh dưỡng và hữu cơ.Theo báo cáo của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện tượng cá chết xảy ra vào khoảng 18h ngày 16/7/2017 tại 32 bè cá trải dài khoảng 300m trên sông Cổ Cò. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở TN &MT đã phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra thực tế và lấy 3 mẫu nước mặt đoạn sông Cổ Cò tại khu vực cá chết. Số mẫu nước này được giao cho Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân tích chất lượng.
Theo đó, kết quả phân tích chất lượng nước tại các bè nuôi của người dân trên sông Cổ Cò cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong cả 3 mẫu thấp (thấp nhất là 0,55mg/l, cao nhất là 3,42mg/l), đều thấp hơn giới hạn cho phép (DO phải lớn hơn hoặc bằng 4mg/l).
- Kêu gọi đầu tư 68 dự án trong giai đoạn 2017-2020:
+ UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 4072/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, có 68 dự án được kêu gọi đầu tư trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2017-2020, bao gồm lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, môi trường. Riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực có số dự án được kêu gọi nhiều nhất với 22 dự án.
ANH TRỊNH