Theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND của HĐND thành phố khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, việc sắp xếp lại tổ dân phố (TDP) có hiệu lực từ ngày 1-8-2017. Yêu cầu đặt ra là việc sắp xếp lại TDP phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, đồng thời phát huy đúng chức năng là tổ chức tự quản cộng đồng cho TDP.
Sắp xếp tổ dân phố phải đồng thời với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch hành chính
Hiện nay, sổ hộ khẩu là một thành phần hồ sơ được dùng trong nhiều giao dịch hành chính của người dân. Việc sắp xếp sẽ dẫn đến sự thay đổi về số TDP và phải được điều chỉnh (Công an quận xác nhận) trên sổ hộ khẩu của mỗi hộ dân.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính sau khi sắp xếp TDP, từ đầu tháng 6, UBND quận Ngũ Hành Sơn có văn bản chỉ đạo Công an quận, các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thay đổi thông tin về TDP trên hộ khẩu.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, nhiều thủ tục hành chính hiện nay đòi hỏi có thành phần hồ sơ là hộ khẩu. Do đó, UBND quận yêu cầu Công an quận tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho người dân khi thay đổi thông tin về TDP trên sổ hộ khẩu.
Bên cạnh đó, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường hỗ trợ các hộ dân giải tỏa về nơi ở mới đăng ký hộ khẩu; riêng hai phường Hòa Hải và Hòa Quý cần phối hợp giải quyết việc đăng ký hộ khẩu và các chế độ chính sách đối với số hộ dân sinh sống ở khu vực chồng lấn địa giới hành chính.
Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn của quận có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giải tỏa đền bù, giáo dục, y tế, đối tượng chính sách, đối tượng trợ cấp xã hội... và các nhu cầu khác cho những hộ dân khi chuyển hộ khẩu về nơi sinh hoạt mới.
Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Nguyễn Văn Hiền cho biết đã ký công văn gửi Công an quận Ngũ Hành Sơn đề nghị cử lực lượng cán bộ xuống đến TDP để thực hiện thủ tục thay đổi thông tin TDP trên sổ hộ khẩu cho người dân, đồng thời giải quyết thủ tục cấp mới, cấp đổi Chứng minh nhân dân hết hạn cho người dân với thông tin TDP mới.
Trong khi đó, tại quận Liên Chiểu, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc Phan Văn Đại cho hay, rút kinh nghiệm lần thay đổi TDP cách đây 5 năm, UBND phường đã chuẩn bị sẵn mẫu chứng nhận TDP mới và cấp ngay cho các hộ dân sau khi có quyết định thành lập TDP mới.
Việc chủ động cấp chứng nhận TDP mới nhằm giúp những người dân có nhu cầu không phải đến phường xin xác nhận TDP mới. Bước tiếp theo, UBND phường chỉ đạo các tổ trưởng TDP thu gom sổ hộ khẩu của các hộ dân đem đến Công an phường làm thủ tục điều chỉnh thông tin về TDP rồi đem trả tận nhà dân như đã làm cách đây 5 năm.
Có thể thấy, việc trong vòng 5 năm có đến 2 lần thay đổi tên TDP đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các thủ tục hành chính, đời sống của người dân. Ngoài việc phải thay đổi số TDP trong hộ khẩu, còn phải kể đến sự điều chỉnh về địa chỉ liên lạc, giao nhận bưu chính, hàng hóa, giao dịch, nhất là các hộ trong kiệt, hẻm không có tên đường mà chỉ ghi địa chỉ là số TDP. Do việc thay đổi TDP nhiều lần nên hiện nay không ít người dân có thông tin về TDP trên các giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe mô-tô và ô-tô, giấy đăng ký quyền sử dụng đất đều khác nhau.
Vì vậy, thiết nghĩ chỉ nên coi thông tin TDP trên hộ khẩu (sau khi được Công an điều chỉnh theo TDP mới) là căn cứ để giải quyết thủ tục hành chính. Nếu buộc người dân phải đồng nhất thông tin TDP trên các giấy tờ như nói trên sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân.
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thanh Khê Lê Văn Long cho hay: Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở trên đất (gọi tắt là “sổ đỏ”) của những người dân ở các kiệt, hẻm không có tên đường đều ghi địa chỉ thửa đất là TDP của phường nào đó. Đối với ngành Tài nguyên-Môi trường, nội dung này không quan trọng vì ngành quản lý đất đai bằng số thửa, tờ bản đồ rồi. Nếu cơ quan, tổ chức nào (khi giải quyết thủ tục hành chính) buộc người dân phải đồng nhất thông tin TDP trên “sổ đỏ” với thông tin trên hộ khẩu thì thủ tục này phải mất 7 ngày làm việc với phí điều chỉnh thông tin là 28.000 đồng. Như vậy, sẽ gây phiền hà cho dân. Ông Long đề nghị cần cung cấp thông tin về TDP cũ-mới đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính hoặc công khai trên cổng thông tin của thành phố, quận, phường để các cơ quan, tổ chức này truy cập khi cần thiết mà không cần yêu cầu người dân điều chỉnh thông tin TDP.
Theo Báo Đà Nẵng