Tìm giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt
Sáng 18-3, Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố (BĐKH) phối hợp Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây Dựng, Viện chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tổ chức hội thảo "Giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt thành phố Đà Nẵng". Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và ông Marcus Moench - Chủ tịch ISET chủ trì hội thảo.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành, Viện quy hoạch xây dựng thành phố, Viện chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ đã tập trung nghiên cứu các chuyên đề thực trạng ngập lụt và thách thức đối với thành phố Đà Nẵng; Quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng 2030 và tầm nhìn 2050; kinh nghiệm về quy hoạch phát triển đô thị thích ứng ngập lụt; các dự báo đáng lưu tâm về tác động ngập lụt đến đô thị Đà Nẵng từ dự án mô hình HUDSI; kết quả từ dự án mô hình ngập lụt đô thị, các định hướng quy hoạch cho đô thị Đà Nẵng tính đến BĐKH và giới thiệu Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020".
 
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố  cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 1976 đến nay, hằng năm ở thành phố xuất hiện trung bình 2-3 đợt lũ. Từ năm 1976 đến năm 1997, trong 22 năm chỉ xuất hiện có 02 đợt lũ trên BĐIII ở mức vừa, nhưng từ năm 1998 đến nay, chỉ trong 17 năm đã xuất hiện liên tiếp 6 đợt lũ đặc biệt lớn trên BĐIII. Trong đó, lũ 1999 xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1964 tại Cẩm Lệ. Đặc biệt, lũ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hơn và lớn hơn, xuất hiện lũ quét lịch sử trên sông Túy Loan.  
 
Cùng với đó, thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi đầu tư nhiều nhà máy thủy điện tại khu vực đầu nguồn, có khả năng làm tăng cường độ các trận mưa vừa và mưa lớn ở Đà Nẵng và các khu vực xung quanh; việc quy hoạch đô thị, san lấp nền xây dựng dựa trên tính toán thông thường, kinh nghiệm và số liệu từ các trận lụt trong quá khứ sẽ gặp thách thức trước các hiểm họa tương lai; phát triển đô thị tại vùng hạ lưu các con sông lớn gây phát sinh ngập lụt trầm trọng hơn ở khu vực thượng lưu.
 
Theo đại diện Viện Quy hoạch thành phố, trong kế hoạch quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xét đến BĐKH, nước biển dâng (NBD). Tuy nhiên đối với đô thị cũ do kế thừa hệ thống thoát nước và cao độ nền hiện trạng nên trước diễn biến BĐKH-NBD trong tương lai sẽ xảy ra tình trạng ngập đối với những khu vực ven sông, ven biển có cao độ hiện trạng thấp. Để giải quyết tình hình ngập nước trong khu đô thị cũ dưới tác động của BĐKH-NBD, Viện Quy hoạch kiến nghị chính quyền đưa ra lộ trình đối phó với BĐKH-NBD như: từng bước nâng cao trình đỉnh kè sông, biển, xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước chính (tuyến cống chính, hồ điều tiết, trạm bơm chống ngập…), trồng rừng ngập mặn ngoài đê để hạn chế tác động của bão, lũ và nước dâng, đẩy mạnh việc trồng cây xanh đô thị.
 
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nhấn mạnh Đà Nẵng rất cần những giải pháp cụ thể, những kinh nghiệm quý báu cũng như sự hỗ trợ về nguồn lực thực hiện từ những chuyên gia, các nhà khoa học và quốc gia khác trên thế giới. Phó Chủ tịch hy vọng thông qua cuộc hội thảo này, thành phố sẽ nhận những giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với vấn đề ngập lụt của Đà Nẵng và các địa phương khác; trên cơ sở đó có những điều chỉnh, bổ sung chương trình mục tiêu, định hướng quy hoạch và giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
CÔNG TÂM

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác