Thông tin báo chí ngày 17-12
Đăng ngày 17-12-2019 23:22, Lượt xem: 126

Thông tin về thành phố Đà Nẵng, báo chí đăng tải ngày 17-12

1/ Nhiều trang báo đưa tin:

- Bắt hơn 1 tấn khí bóng cười đưa vào Đà Nẵng tiêu thụ :

+Ngày 16/12, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, vừa bắt vụ vận chuyển khí cười đến các tụ điểm ăn chơi trên địa bàn. Đội Cảnh sát Kinh tế cho biết, giá trị lô hàng bị thu giữ hơn 100 triệu đồng. Số khí cười trên nhằm phục vụ các tụ điểm ăn chơi, vũ trường.

2/ VietTimes:

- Đà Nẵng kết luận gì về vụ sự cố y khoa đối với 3 sản phụ tại Bệnh viện Phụ nữ:

+ Sáng nay, 17/12, bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, sau hơn 20 ngày tiến hành thẩm định, đánh giá sự cố y khoa khiến 3 sản phụ nguy kịch và tử vong tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận vụ việc.Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thu thập dữ liệu và ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn kết luận: Bệnh viện Phụ nữ hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng đã được phê duyệt và thực hiện các kỹ thuật tuân thủ các quy định; danh mục chuyên môn kỹ thuật được cấp phép. Các thành viên tham gia điều trị các ca này đều có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên mô phù hợp, tuy nhiên, có 1 bác sỹ gây mê chính là cơ hữu, 1 bác sỹ không cơ hữu nhưng có hợp đồng với bệnh viện.

+Theo Sở Y tế, tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ và Sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc. Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12/2019 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) cho kết quả đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Đặc biệt, theo Sở Y tế, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê. Về xác định có sai sót chuyên môn của Bệnh viện Phụ nữ hay không, Hội đồng chuyên môn kết luận về quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân là thực hiện đúng quy định; các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với trường hợp sản phụ LH.P.Tr., Bệnh viện đã không báo cáo ngay phản ứng thuốc trên hệ thống khi xảy ra sự cố, bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh. Đối với sản phụ V.T.N.S., Bệnh viện đã có tổ chức Hội đồng chuyên môn phân tích tìm nguyên nhân bệnh nhưng chậm, không báo cáo kịp thời và chưa tiên lượng tốt ca bệnh. Trước những sai sót trên, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này; tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh và triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế và báo cáo phản ứng theo quy định.

3/ Báo Tuổi trẻ:

 - Đà Nẵng cưỡng chế công trình vi phạm của Mường Thanh, dân cư bức xúc vì không thấy ông Thản:

+Những ngày qua, cư dân ở các căn hộ vi phạm này đã phản ứng mạnh mẽ, đòi phải có cuộc đối thoại với chủ đầu tư và chính quyền. Ông Nguyễn Hồng Hải- chủ căn hộ 328 cho biết nếu chủ đầu tư vẫn không ra mặt thì sẽ có đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của chủ đầu tư đến cơ quan công an thay vì khởi kiện ra tòa. Ông Hải cho biết cư dân ở đây hoàn toàn ủng hộ việc cưỡng chế các công trình vi phạm, không chỉ Mường Thanh mà bất cứ công trình nào cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi công trình có một điều kiện khác nhau nên phải có cách xử lý phù hợp thực tế. Với Mường Thanh, ở các căn hộ vi phạm thì chủ đầu tư đã không còn quyền hạn gì vì đã bán hết cho người dân, người dân đã đóng đủ tiền, bao gồm cả tiền phí ra sổ đỏ. Ông Hải đề nghị chủ đầu tư phải đền bù một cách thỏa đáng cho người dân. Khi đó, người dân sẽ tự nguyện di chuyển. Còn bây giờ nói cưỡng chế Mường Thanh nhưng thực chất là cưỡng chế căn hộ của người dân.

4/ Báo Công an Đà Nẵng

- Ám ảnh Grab “dù” trong sân bay Đà nẵng:

+Từ thông tin của lực lượng An ninh hàng không cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và ghi nhận thực tế của PV khi thực hiện bài điều tra này, có thể thấy hoạt động vận chuyển khách trái quy định tại sân bay đang rất phức tạp. Trong đó, nhiều tài xế Grab hoạt động rất manh động, thách thức, chống đối lại lực lượng ANHK làm nhiệm vụ. Ông Lương Thế Thuyết – GĐ Trung tâm ANHK cho biết hoạt động của lái xe Grab còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của hành khách, bởi đã có rất nhiều trường hợp đi xe này đã mất đồ đạc, hành lý khi bỏ quên trên xe. Ông Thuyết dẫn chứng, cán bộ an ninh sân bay đã phát hiện nhiều cảnh camera quay lại cảnh xe Grab khi đang bắt khách phát hiện có lực lượng kiểm tra đã đạp ga bỏ chạy chở theo cả hành lý, tài sản của khách…

Liên quan đến các hành vi khai thác khách trái quy định của xe “dù”, cò mồi diễn biến phức tạp tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời gian qua, nhất là mùa cao điểm du lịch năm 2019. Cục HKDD Việt Nam đã có kiến nghị gửi UBND TP. Đà Nẵng. Tiếp nhận văn bản kiến nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã có văn bản giao CATP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND quận Thanh Khê, Hải Châu tham mưu cho UBND TP xử lý kiến nghị của Cục Hàng không, tuy nhiên đến nay vẫn liên tục xảy ra hàng loạt các hành vi vi phạm

 5/ Báo Đà Nẵng:

- Giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng lo lắng:

+Gần 1 tuần nay, nhiều người dân buộc phải thắt chặt mức chi tiêu khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như các dịch vụ tăng lên đáng kể và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần.Hàng hóa tăng giá khiến chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục nhích lên cũng làm khó nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ, vì thời điểm này người kinh doanh phải hoàn tất các đơn hàng để chuẩn bị đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, việc tăng giá đã làm giảm sức mua tại một số chợ lớn như: chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, chợ Đống Đa..

- Chậm trả lời phản ánh của người dân:

+Theo Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 16-1-2017 của UBND thành phố về quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý ý kiến của tổ chức, công dân qua Tổng đài 1022 và Cổng góp ý tại Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố, thời hạn địa phương, đơn vị tiếp nhận xử lý và phản hồi kết quả là 7 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ, lễ). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh một số đơn vị nhanh chóng kiểm tra, xử lý thông tin, hiện có không ít địa phương chậm trả lời, hoặc trả lời qua loa khiến người dân chưa thật sự hài lòng.

+Anh M. (ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, ngày 1-4-2019, anh gửi đến Cổng góp ý nội dung phản ánh việc chủ nhà 806 Tôn Đức Thắng xây dựng trái phép và lấn chiếm đất công. Qua theo dõi, anh M. thấy hệ thống này đã tiếp nhận thông tin và chuyển về UBND quận Liên Chiểu xử lý. Tuy nhiên, đến ngày 18-7-2019, anh M. mới nhận được thông tin kiểm tra, xử lý của UBND quận, trễ 99 ngày so với quy định.Tương tự, một phản ánh của người dân liên quan dự án đường Trần Hoành và nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn được gửi tới Cổng góp ý ngày 2-1-2019 nhưng đến ngày 17-4-2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn mới có văn bản trả lời, trễ 104 ngày. Đó chỉ là 2 trong hàng ngàn nội dung phản ánh của người dân chưa được chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết. Bà Phạm Thị Từ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (PSC) cho biết, việc kiểm tra, xử lý thông tin của nhiều địa phương, đơn vị có sự chậm trễ, thậm chí có địa phương nhận thông tin xong rồi “quên”, khi được “nhắc” mới nhớ và có phản hồi cần thiết cho người dân.

 

ANH TRỊNH

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT