Ngày 24-12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo “Tư vấn lập hiện trạng phát triển giai đoạn 2011-2020 và định hướng, giải pháp phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, nghiên cứu xác định phương hướng phát triển các vùng không gian biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự có đại diện các sở ngành và chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội thành phố.
Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, với chiều dài bờ biển trên 92km, thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn trong phát triển các ngành kinh tế biển. Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước; có cảng biển nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hải, du lịch, khai thác và chế biến hải sản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các ngành kinh tế biển, trong thời gian qua, thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Theo ông Huỳnh Huy Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đà Nẵng, kinh tế hàng hải của Đà Nẵng, mà trọng tâm là dịch vụ khai thác cảng biển, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 10 năm qua, đặc biệt kể từ khi cảng Đà Nẵng thay đổi mô hình hoạt động và chuyển hướng kinh doanh sang đẩy mạnh khai thác hàng hóa container.
Song song với đó, việc phát huy tiềm năng, lợi thế biển trong phát triển du lịch và dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển đã tạo sản phẩm du lịch biển có tính đặc thù cao và xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Ngành khai thác hải sản và chế biến thủy hải sản vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Thành phố cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các loại năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển.
Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế hàng hải của Đà Nẵng chỉ mới tập trung vào dịch vụ khai thác cảng biển, các đội tàu biển đều có tải trọng nhỏ, công nghệ lạc hậu và có năng lực cạnh tranh kém so với các hãng tàu quốc tế. Mặc dù được cải thiện đáng kể nhưng mức độ kết nối của cảng Đà Nẵng vào mạng lưới hàng hải toàn cầu vẫn còn ở mức khiêm tốn, quy mô thị trường hàng hóa chưa đủ lớn, dịch vụ logistics chưa được phát triển mạnh.
Công nghiệp chế biến thủy hải sản chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, do năng lực khai thác và đánh bắt xa bờ của ngư dân chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn.
Tại hội thảo, các chuyên gia khoa học đã tập trung phân tích các giải pháp phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng, hướng phát triển các vùng không gian biển trong thời gian tới. Cụ thể, xây dựng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Xây dựng cụm Cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; nâng cao năng lực, công suất các cảng, đảm bảo giải quyết 100% khối lượng hàng hóa đi và đến.
Đặc biệt, tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển và quản lý các ngành công nghiệp tác các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Phát triển du lịch biển có sự kết nối với các tuyến du lịch trong vùng và khu vực trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của thành phố. Song song với xây dựng ngành công nghiệp ven biển, khai thác khoáng sản biển, các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường... thành phố cần phát triển nguồn nhân lực và có chính sách thu hút chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hải trong thời gian tới.
THUỲ LINH