Đẩy mạnh khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ dân, doanh nghiệp trồng rừng cây gỗ lớn nhằm phát triển rừng bền vững
Đăng ngày 01-03-2022 20:07, Lượt xem: 1159

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tại buổi kiểm tra thực tế về tình hình trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn xã Hòa Liên, theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp và Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 quy định chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2030, vào sáng 1-3.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn kiểm tra thực tế về tình hình trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn xã Hòa Liên

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kế hoạch năm 2021-2025 thuộc giai đoạn 2019-2030, tại Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 19-7-2021. Theo đó, đầu tư trồng mới 483,2 ha cây gỗ lớn, chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn 79,8 ha trên địa bàn huyện Hòa Vang; trồng mới 152 ha cây gỗ lớn, chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn 79 ha trên địa bàn quận Liên Chiểu, với tổng mức đầu tư hơn 10,6 tỷ đồng.

Trên cơ sở chủ trương đầu tư đã được UBND thành phố phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề cương dự án và đã phê duyệt đề cương dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kế hoạch năm 2021-2025 thuộc giai đoạn 2019-2030. Tổ chức đấu thầu qua mạng lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, đo đạc lập dự án và hồ sơ phương án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn cho các tổ chức cá nhân đăng ký tham gia thực hiện dự án. Hiện nay, đã chọn được nhà thầu và ký hợp đồng để đơn vị tiến hành khảo sát đo đạc xác định diện tích cụ thể trước khi lập dự án và phương án hỗ trợ.

Nhiều loại cây gỗ lớn như cây lát hoa, giáng hương, sưa đỏ, lim xanh, dỗi hương... đã được hộ dân trồng trên diện tích đất đăng ký

Tính đến 31-12-2021, có tổng 33 hộ gia đình và công ty đăng ký tham gia chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, với tổng diện tích 460,58 ha; trong đó, có 411,58 ha đăng ký trồng rừng gỗ lớn và 49 ha đăng ký chuyển hóa từ rừng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng nguyên liệu gỗ lớn. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị tư vấn đã tiến hành đo đếm toàn bộ diện tích đăng ký tại thời điểm năm 2021 với tổng diện tích đo đếm xác định thực tế tại hiện trường là 292,98 ha, trong đó 282,98 ha đăng ký trồng rừng gỗ lớn và 10 ha đăng ký chuyển hóa từ rừng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng nguyên liệu gỗ lớn.

Từ ngày 1-1-2022 đến nay, có 19 hộ gia đình và công ty đăng ký tham gia chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn với tổng diện tích là 440,09 ha ; trong đó có 219,79 ha đăng ký trồng rừng gỗ lớn và 220,3 ha đăng ký chuyển hóa từ rừng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng nguyên liệu gỗ lớn, đơn vị tư vấn đang tiếp tục triển khai đo đếm tại hiện trường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của hộ dân

Qua kiểm tra thực tế khu vực trồng rừng của hộ ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của hộ dân, thể hiện qua số lượng lớn cây đã được trồng gần 5 năm qua; đồng thời nhấn mạnh, trồng rừng cây gỗ lớn là một chủ trương lớn Chính phủ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn 2019-2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trồng rừng cây gỗ lớn tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, thành phố cũng đã có chủ trương hỗ trợ thêm cho người dân, doanh nghiệp trồng rừng tại Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND; tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các chủ trương, chính sách này còn chậm, số lượng người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận rất ít. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường, phổ biến chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn đến các tổ chức, hộ gia đình để nắm bắt chủ trương và tham gia, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho thành phố, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 47%.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, hộ ông Nguyễn Hữu Hoàng đã tiến hành trồng 55.000 cây lát hoa; 60.000 cây giáng hương; 60.000 cây sưa đỏ; 3.000 cây đàn hương; 2.500 cây chò; 45.000 dỗi hương; 800 cây lim xanh. Đến thời điểm hiện tại đã trồng phủ 55% diện tích đất đăng ký

“Cần khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư lâu dài cho việc trồng, chuyển hóa sang trồng rừng cây gỗ lớn nhằm phát triển rừng bền vững. Việc trồng rừng cây gỗ lớn không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn hạn chế được tình trạng thu hoạch cây ngắn ngày gây sạt lỡ, cháy rừng”, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép hộ trồng rừng mở lối đi trong phạm vi đất trồng rừng để thuận tiện cho việc vận chuyển cây giống, chăm sóc cây, đồng thời thuận tiện cho công tác phòng cháy chữa cháy, tạo lằn ranh cản lửa; đồng thời, đề nghị huyện Hòa Vang phối hợp các sở, ngành chức năng tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ, thủ tục pháp lý theo đúng quy định để sớm triển khai.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứ, đề xuất một số loại cây trồng phù hợp cho đường phố, đô thị

“Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh đường phố, từ đó có ý kiến góp ý với Sở Xây dựng về việc chọn lựa một số loại cây trồng đô thị phù hợp với điều kiện khí hậu thành phố, như lát hoa, giáng hương, đàn hương… nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 25-11-2021 triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố”, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn chỉ đạo.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT