Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Đăng ngày 10-03-2022 08:05, Lượt xem: 789

Ngày 8-3, UBND thành phố ban hành Quyết định số 643/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Quy chế quy định phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai các hoạt động, nhiệm vụ liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Quy chế này chỉ áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Quy chế được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Quy chế được ban hành nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, quy định nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bảo đảm tính chặt chẽ và tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.

Việc phối hợp được thực hiện theo 3 nguyên tắc: (1) Bảo đảm sự quản lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, có phân công trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện; (2) Việc phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm triển khai đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện trên địa bàn thành phố; tuân thủ quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan; (3) Công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định.

Quyết định số 643/QĐ-UBND cũng nêu rõ các đơn vị thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.

Cụ thể, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố (UBMTTQVN thành phố): Thành lập Ban Vận động cấp thành phố (lãnh đạo UBMTTQVN thành phố là Trưởng ban, Trưởng ban quyết định thành phần Ban Vận động gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan). Thực hiện kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến, thông tin rộng rãi ý kiến của cuộc vận động, thời gian, địa điểm tiếp nhận, tài khoản tiếp nhận đến các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp.

Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện đến các địa phương, nhân dân vùng thiên tai, dịch bệnh, sự cố đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch. Việc tiếp nhận, quản lý, phân phối, nội dung chi từ các nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo đúng quy định. Trong đó lưu ý một số nội dung: Thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp không quá 90 ngày, trường hợp cần thiết thì có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện; Đối với tiếp nhận, quản lý hiện vật thì phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chủng loại, bảo quản, lưu trữ theo đúng quy định; Đối với những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì thực hiện theo đúng cam kết; Căn cứ hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ hoặc chuyển giao cho các Bộ, ngành Trung ương, địa phương khác nơi bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc giữ lại để sử dụng trực tiếp hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Nguồn đóng góp tự nguyện chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện. Thực hiện báo cáo tình hình và kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo chế độ quy định. Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong thời gian tiếp nhận.

Hội Chữ thập đỏ thành phố có nhiệm vụ thực hiện kêu gọi, vận động tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ. Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp ủng hộ đồng bào các quốc gia khác. Toàn bộ số tiền tiếp nhận được nộp vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ thành phố và chuyển về tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tiếp nhận, phân phối, sử dụng và công khai nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ và quy định của pháp luật có liên quan. Thực hiện công khai tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ủng hộ nhân dân các quốc gia khác theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí, hiện vật để hỗ trợ cho các đối tượng, gia đình bị thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo chức năng, thẩm quyền quy định; Tiếp nhận, phân phối, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xác định nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế tại các cơ sở y tế công lập do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo chức năng, thẩm quyền quy định; Tiếp nhận, phân phối, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tổng hợp nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí, hiện vật để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp; sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai,... và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại theo chức năng, thẩm quyền quy định; Tiếp nhận, phân phối, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBMTTQVN thành phố, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng và các ngành, địa phương có liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời trong quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Sở Tài chính phối hợp với UBMTTQVN thành phố và các cơ quan liên quan quản lý đối với nguồn đóng góp tự nguyện được chuyển vào ngân sách thành phố theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước; Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo,... theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ các vấn đề về ô nhiễm môi trường, cung cấp điện, nước sinh hoạt, cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường, công trình giao thông, thông tin, trường học, phương tiện vận chuyển,... do thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra; Tiếp nhận, phân phối, công khai và báo cáo tình hình kinh phí hỗ trợ theo quy định; Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ thuộc thẩm quyền theo quy định.

UBND các quận, huyện phối hợp với UBMTTQVN thành phố và Hội Chữ thập đỏ thành phố thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn; thực hiện đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP và theo Quy chế này; Phối hợp các Sở, ngành, và chỉ đạo UBND các phường, xã xác định nhu cầu và đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; Thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng và báo cáo tình hình và kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo chế độ quy định (kể cả nguồn đóng góp tự nguyện tại phường, xã); Hướng dẫn UBND phường, xã thực hiện theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, dịch bệnh, sự cố để cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Các đơn vị tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức cá nhân vận động, tiếp nhận và Các quỹ từ thiện có trách nhiệm phối hợp với UBND quận, huyện, phường, xã, nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện vận động được theo mục đích, phạm vi hoạt động và thông báo với UBMTTQVN thành phố, các tổ chức, cá nhân đóng góp; Thông báo với UBND quận, huyện, phường, xã, nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện vận động được; Thực hiện công khai các khoản đóng góp, sử dụng và quyết toán theo quy định.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh, kiến nghị về Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

NGUYÊN THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT