Đà Nẵng dẫn đầu tốc độ phát triển kinh tế trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Đăng ngày 30-12-2022 16:53, Lượt xem: 3291

Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ thông tin tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội thành phố năm 2022 vào sáng 30-12.

Thông tin tại Họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong năm, thành phố đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành, lĩnh vụ kinh tế mũi nhọn, một số ngành phục hồi nhanh và có mức tăng bứt phá, là điểm sáng đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021. Trong đó, khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17,85%, đóng góp 13,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021.

GRDP bình quân đầu người năm 2022 (tính theo giá so sánh năm 2010) tăng 11,7% so với năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương 4.313 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021.

Xét trên phạm vi cả nước, năm 2022, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển; xếp thứ 17/63 về quy mô.

So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu tốc độ phát triển và quy mô trong vùng.


Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ thông tin tình hình kinh tế - xã hội tại Họp báo

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20-12-2022 đạt 23.133 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách Nhà nước đạt 23.848 tỷ đồng, bằng 88,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đăng ký doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 15-12-2021, có 4.476 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 22.477 tỷ đồng, tăng 26,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 26,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước đạt 36.895 tỷ đồng, trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 8.313 tỷ đồng, giảm 15,18%; khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 23.087 tỷ đồng, tăng 29,83%; vốn thực hiện khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 5.495 tỷ đồng, tăng 0,72% so với năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 3.578 triệu USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.079 triệu USD, tăng 16,2% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.499 triệu USD, tăng 12,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa giai đoạn 2018-2022 liên tục xuất siêu từ 232 triệu USD năm 2018 lên gần 581 triệu USD năm 2022 và đây được coi là thành tích nổi bật trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố.

Tỷ trọng đóng góp của giá trị xuất khẩu đối với mức tăng trưởng chung của thành phố trong năm 2022 ước đạt gần 45%, cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp 3,1% của năm 2019 - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Khu vực dịch vụ luôn là điểm sáng, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 67,57%, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 3,38 điểm phần trăm.

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp của lực lượng lao động đã cải thiện rõ nét so với năm trước, sơ bộ tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 theo kết quả điều tra của lao động việc làm là 2,25%, thấp hơn tỷ lệ 7,71% của năm 2021.


Phóng viên đặt câu hỏi tại Họp báo

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ nhận định, theo dự báo, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 với Chủ đề: “Năm tập trung khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” trên cơ sở tận dụng những cơ hội, điều kiện sẵn có, khắc phục hạn chế, khó khăn sẽ là động cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ đề xuất một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới như: tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Chú trọng phát triển du lịch, một trong những thế mạnh, là động lực giúp thành phố tăng trưởng nhanh và bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Tăng cường hoạt động thương mại, thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Cùng với đó, tập trung riển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh hỗ trợ vốn nghiệp ngành công nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ đất đai, thuế, phí, lao động... Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Các lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn...

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT