Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
Đăng ngày 18-04-2024 10:43, Lượt xem: 77

Nhằm tạo động lực khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngày 3-4, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 229/QĐ-HQĐNg về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Chương trình).

Chương trình được Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và thực hiện thí điểm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành. Nội dung tóm tắt gồm:

1. Công nhận Thành viên tham gia Chương trình

a) Doanh nghiệp được công nhận là Thành viên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

a.1) Có hoạt động XNK trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

a.2) Có số lượng tờ khai hải quan hoặc kim ngạch XNK hoặc số tiền nộp thuế liên quan đến hoạt động XNK lớn;

a.3) Được Cục Hải quan lựa chọn áp dụng thí điểm nội dung Chương trình;

a.4) Tự nguyện đăng ký là Thành viên theo đề nghị của Cục Hải quan.

b) Việc công nhận Thành viên được thực hiện theo trình tự sau đây:

b.1) Cục Hải quan thực hiện rà soát, đánh giá, lựa chọn danh sách doanh nghiệp dự kiến đề nghị tham gia Chương trình;

b.2) Cục Hải quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình để doanh nghiệp biết tham gia bằng hình thức gửi văn bản hoặc cử đoàn công tác trực tiếp đến doanh nghiệp;

b.3) Doanh nghiệp tự nguyện đăng ký là Thành viên thông qua Phiếu đăng ký để xác nhận với Cục Hải quan;

b.4) Cục Hải quan tổ chức buổi làm việc, ký kết Biên bản ghi nhớ công nhận doanh nghiệp là Thành viên Chương trình.

2. Chấm dứt tư cách Thành viên

a) Việc chấm dứt tư cách Thành viên đối với doanh nghiệp được áp dụng trong các trường hợp dưới đây:

a.1) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt tư cách Thành viên;

a.2) Doanh nghiệp ngừng hoạt động; giải thể; bị tuyên bố phá sản hoặc bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;

a.3) Doanh nghiệp bị khởi tố điều tra hình sự hoặc bị cơ quan Hải quan đề nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự liên quan đến vi phạm có dấu hiệu các tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế hoặc các tội phạm có liên quan đến lĩnh vực quản lý hải quan;

a.4) Doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Thành viên hoặc không hợp tác với cơ quan Hải quan;

a.5) Khi Cục Hải quan thông báo kết thúc Chương trình.

b) Việc chấm dứt tư cách Thành viên được thực hiện như sau:

b.1) Cục Hải quan gửi văn bản thông báo chấm dứt tư cách Thành viên đến doanh nghiệp đối với các trường hợp tại điểm a.1, a.4, a.5 khoản 2 này;

b.2) Cục Hải quan đưa doanh nghiệp ra khỏi danh sách Thành viên (không gửi văn bản thông báo) khi có sơ sở xác định doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp tại điểm a.2, a.3 khoản 2 này.

3. Quyền lợi và trách nhiệm của Thành viên

a) Quyền lợi của Thành viên

Thành viên ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi theo các quy định của pháp luật và các quy định, hướng dẫn hiện hành, được Cục Hải quan hỗ trợ các điều kiện thuận lợi như sau:

a.1) Bố trí công chức chuyên trách hướng dẫn trước khi thực hiện thủ tục hải quan, về: trình tự thủ tục hải quan; chính sách quản lý hàng hóa XNK; chính sách thuế đối với hàng hóa XNK; phân loại hàng hóa XNK; khai trị giá hải quan; xuất xứ hàng hóa (C/O) và các nội dung khác liên quan đến thủ tục hải quan.

a.2) Hỗ trợ tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan

- Bố trí Nhóm công chức chuyên trách tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hải quan, kiểm tra hồ sơ hải quan và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu hệ thống phân luồng kiểm tra);

- Tiếp nhận, giải quyết ngay vướng mắc hoặc các vấn đề phát sinh liên quan thuộc thẩm quyền của Cục Hải quan hoặc Chi cục Hải quan;

- Bố trí công chức làm ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ để giải quyết thủ tục hải quan theo đề nghị của Thành viên;

- Cung cấp các thông tin liên quan đến việc giải quyết thủ tục hải quan.

a.3) Hỗ trợ sau thông quan hàng hóa XNK:

- Hỗ trợ cảnh báo các lỗi, sai sót trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông quan hàng hóa XNK để Thành viên kịp thời khắc phục, điều chỉnh, khai bổ sung theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn tự kiểm tra hồ sơ đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định.

a.4) Thông tin, tập huấn, hướng dẫn các chính sách, quy định mới về hải quan; tổ chức tham vấn, đối thoại, hỗ trợ Thành viên nâng cao năng lực thực hiện thủ tục hải quan, nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, khắc phục các sai sót, giảm thiểu rủi ro và các vi phạm pháp luật về hải quan.

a.5) Phối hợp, kiến nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho Thành viên trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. 

a.6) Áp dụng 100% thủ tục hành chính đã được công bố trên Hệ thống cung cấp Dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan; Hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống/phần mềm khai báo.

b) Trách nhiệm của Thành viên

b.1) Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hải quan; Chủ động kiểm soát hoạt động XNK và quản lý nội bộ để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật về hải quan.

b.2) Hợp tác, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu có liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình.

b.3) Bố trí nguồn lực để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình.

4. Các biện pháp triển khai thực hiện Chương trình

a) Cục Hải quan xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan để đảm bảo triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Chương trình.

b) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình, Tổ thẩm định Thành viên,  Tổ hỗ trợ doanh nghiệp tại Cục Hải quan và Nhóm hỗ trợ doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan để triển khai thực hiện các nội dung Chương trình.

c) Tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phân công theo kế hoạch.

d) Thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận các ý kiến phản hồi của Thành viên để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình.

đ) Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện Chương trình; xem xét, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với các Thành viên tiêu biểu trong quá trình thực hiện Chương trình.

Sau 2 tuần ban hành Quyết định, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, các đơn vị thuộc, trực thuộc Cục và các Ban, Nhóm, Tổ được phân công nhiệm vụ đang tích cực và đẩy mạnh tiến độ triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình và kế hoạch đã đề ra.

HỒNG VI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác