Công tác cải cách hành chính của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua luôn được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều giải pháp thiết thực đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành uỷ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Cải cách hành chính góp phần phòng, chống tham nhũng
Thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC), Đà Nẵng ban hành nhiều văn bản để làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 của thành phố; Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng Thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030…
Đồng thời hằng năm, UBND thành phố ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, trong đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra luôn đảm bảo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao; vừa phù hợp với tình hình thực tế của thành phố Đà Nẵng, vừa phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.
Công tác sơ kết, tổng kết định kỳ được duy trì thực hiện thường xuyên, qua đó rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp tháo gỡ; đồng thời gắn kết quả thực hiện với công tác thi đua, khen thưởng, phê bình; đánh giá người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thành ủy Đà Nẵng sơ kết 3 năm thực hiện Đề án CCHC
Thực tiễn cho thấy công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng là hai vấn đề liên quan chặt chẽ. Vì vậy, thành phố luôn quan tâm đến việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị 29/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “5 xây, 3 chống” và hiện nay là Chỉ thị số 34-CT/TU; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện trong thời gian đến để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ CBCCVC của thành phố: Ban hành các quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Kiểm soát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao và cập nhật thường xuyên trên phần mềm Quản lý theo dõi công việc nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thái độ, tinh thần, trách nhiệm của CBCCVC; Tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp nhận hơn 9.000 ý kiến phản ánh, góp ý. Trong đó, hơn 6500 ý kiến phản ánh, góp ý trong năm 2023 và hơn 2500 ý kiến phản ánh, góp ý trong 6 tháng đầu năm 2024.
UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nghiêm túc quy định về tiếp và đối thoại với công dân, tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền thành phố trong giải quyết các vấn đề phát sinh của người dân, tổ chức, củng cố lòng tin với chính quyền thành phố.
Hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ngành địa phương được triển khai mức độ toàn trình, một phần. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc nhận và ban hành văn bản điện tử có ký số đã đi vào nền nếp và được kết nối liên thông 4 cấp. Hoàn thành việc kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã tiến hành khai thác dữ liệu dân cư, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân nhận kết quả TTHC tại Máy KIOSK
25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) đã được tích hợp, cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của thành phố với 200 nghìn hồ sơ được tiếp nhận qua một năm triển khai thực hiện.
Hiện nay, thành phố đang triển khai nền tảng DanangChain; thu thập và phân tích 10 nhóm dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành và tạo ra giá trị mới; phối hợp với Lãnh sự quán Anh xây dựng Sổ tay chuyên đổi số Đà Nẵng, ký kết và phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an triển khai 43 mô hình ứng dụng điểm sử dụng CSDL dân cư…
Hiệu quả từ việc phân cấp, ủy quyền hướng đến
Từ ngày 01-7-2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đặc biệt, để đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm mô hình này, UBND thành phố ban hành Đề án số 7796/ĐA-UBND ngày 19-11-2022 về phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Kết quả thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền đã góp phần thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn quy trình, giảm trung gian, giảm thủ tục và thời gian, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đề cao vai trò quản lý trực tiếp của cơ quan chuyên môn và cấp chính quyền quận, huyện, phường, xã.
Phân cấp, ủy quyền gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc; không làm tăng khối lượng, công việc của đơn vị nhận ủy quyền mà chỉ giảm thủ tục và khối lượng công việc tại Văn phòng UBND thành phố.
Cùng với việc thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền, UBND thành phố còn đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
UBND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung cải cách TTHC một cách quyết liệt, đồng bộ, rà soát bãi bỏ những thủ tục, quy trình còn chồng chéo nhằm xóa bỏ các rào cản, “điểm nghẽn”, cải thiện và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Bên cạnh đó, gắn công tác cải cách TTHC với chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức làm việc từ thủ công sang môi trường số, dữ liệu số, tăng cường công khai, minh bạch các quy định; phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm thông tin.
Xây dựng chính quyền “Hành động, Thân thiện”
Ngày 01-6-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Văn bản 493/TTg-KSTT yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Theo đó chỉ rõ: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm. Công bố, công khai các cán bộ, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục không đúng quy định. Tăng trách nhiệm giải trình, xử lý công tác tiếp nhận, phản ánh kiến nghị”.
Theo đó, thành phố cũng đã ban hành văn bản đối với nội dung này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của thành phố.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thành phố đã tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức các cấp, bảo đảm đúng người, đúng việc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp; đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu...
Người dân đến làm TTHC tại Bộ phận một cửa - Trung tâm Hành chính thành phố
Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, bố trí công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp, vì đây là đội ngũ trực tiếp gặp gỡ, làm việc và giải quyết công việc cho người dân.
Có thể thấy, mục đích của việc ban hành Chỉ thị trên nhằm tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Qua đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với phương châm “Cải cách thủ tục hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là TRUNG TÂM” và chủ đề của năm 2024 của thành phố về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Với quyết tâm chính trị và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước và Đông Nam Á theo như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.
THANH NGUYÊN-KHÁNH NHI