Công tác giải phóng mặt bằng là một trong những yêu cầu quan trọng góp phần thực hiện thành công các dự án đầu tư, hạ tầng giao thông đô thị, các công trình dân sinh...ở Đà Nẵng. Đây cũng là vấn đề nan giải nhất vì đụng đến quyền lợi của người dân, nhưng nhờ đâu Đà Nẵng đã làm khá tốt vấn đề này? Đó chính là từ công tác dân vận, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chính quyền với người dân.
Gia đình ông Trần Thanh Tuấn (73 tuổi), tổ 36, khu vực Đồng Nò, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn thuộc diện di dời giải tỏa để thực hiện dự án Khu đô thị ven sông Hoà Quý – Đồng Nò. Ban đầu ông và gia đình chưa thống nhất với phương án đền bù, hỗ trợ.
Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp dân, đối thoại và được sự vận động thuyết phục thấu tình đạt lý của chính quyền địa phương, gia đình ông chấp hành chủ trương, tự nguyện di dời tài sản, vật dụng để nhường "đất sạch" cho dự án.
Ông Tuấn cũng là một trong số những hộ dân tiên phong trong việc tháo dọn nhà cửa, bàn giao mặt bằng và tích cực vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để dự án được thực hiện đúng tiến độ.
"Dù chưa hết băn khoăn với khung giá đền bù của nhà nước nhưng do đây là dự án trọng điểm nên tôi đã đồng ý. Bởi, tôi nghĩ khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế cho quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và Đà Nẵng nói chung”, ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ trường hợp ông Trần Thanh Tuấn, mới đây nhất, Chủ tịch UBND phường Hoà Quý có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện tộc Lưu và tộc Nguyễn Vinh. Đây là hai tộc có mộ tiền hiền nằm trong Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã đồng thuận chủ trương bàn giao, nhưng còn gặp khó về kinh phí di dời.
Những khó khăn, vướng mắc này được địa phương tiếp nhận và đề xuất quận và thành phố giải quyết hoà hợp giữa quy định và nguyện vọng của bà con. Các tộc, họ phấn khởi đồng thuận sẵn sàng bàn giao mặt bằng.
Năm 2024, trên địa bàn phường Hòa Quý có 31 dự án, công trình trọng điểm đã công bố quy hoạch, trong đó có 11 dự án đã hoàn thành, 11 dự án chuẩn bị triển khai và chậm triển khai; 9 dự án đang được triển khai thi công.
Đặc biệt, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô khoảng 300 ha, trong đó, Quảng Nam (190 ha) và Đà Nẵng (110 ha). Dự án kéo dài quá lâu khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, UBND phường Hoà Quý đã chia các tổ đến trực tiếp từng hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Những kiến nghị chính đáng của người dân được ghi nhận và đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời giải quyết, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Việc thành lập các tổ đến nhà vận động người dân đã góp phần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước đối với công tác dân vận.
Cùng với đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc”.
Nhờ đó, đến tháng 5-2021, Hội đồng đã tập trung xử lý các hồ sơ, giải phóng với diện tích gần 15ha đất nông nghiệp. Đến tháng 3-2022, tổng số hồ sơ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng là 520 hồ sơ, tương đương với diện tích bàn giao mặt bằng là 36,1ha.
Đối với 236 hồ sơ đất ở, nhà ở còn lại và 669 hồ sơ mộ, tháng 7-2023, Hội đồng đã tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các hồ sơ còn lại, tổ chức tiếp dân, vận động và hoàn thành công tác giải tỏa đền bù đối với dự án theo đúng tiến độ.
Trong thời gian sắp tới, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục còn lại đối với công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng với diện tích 40 ha. Từ đó, nâng tổng số diện tích thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư là 78,6 ha trong tổng số diện tích dự án được quy hoạch trên địa bàn phường Hòa Quý là 110ha.
Trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang luôn tích cực phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp dân vận, tuyên truyền, vận động người dân để tháo gỡ các nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của người dân, hoàn thành đúng thời gian, tiến độ, bàn giao mặt bằng cho các công trình, dự án.
Những năm trở lại đây, Hòa Vang trở thành “đại công trường” xây dựng khi thành phố Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị về phía Tây nên số lượng các dự án trọng điểm, động lực của Trung ương, thành phố đều nằm trên địa bàn huyện. Các công trình đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
Theo thống kê trong năm 2023, trên địa bàn Hòa Vang có trên 200 dự án đã và đang triển khai với hơn 17.000ha đất phải thu hồi, liên quan đến hơn 5.200 hộ dân ở 11 xã.
Thực tế cho thấy rằng, trong công tác GPMB, nhiều người dân còn băn khoăn về những phương án đền bù sau khi bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư. Chính vì vậy, Hội LHPN huyện Hoà Vang đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, hội viên phụ nữ những chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Trần Thị Kim, từ tháng 10-2023 đến tháng 6-2024, Hội đã tổ chức 12 buổi tuyên truyền về chủ trương triển khai cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án cải tạo, nâng cấp QL 14B và cao tốc Hòa Liên – Túy Loan cho hội viên phụ nữ và Nhân dân có dự án tại các xã Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Khương.
Đồng thời, phổ biến quyền và nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị; trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vận động người dân có đất bị thu hồi thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện các dự án kịp tiến độ.
Cùng với đó, Hội LHPN các xã đã tham gia 99 buổi tiếp cùng với lãnh đạo huyện và lãnh đạo xã; tham gia 46 buổi vận động nhà các hộ dân; kết quả đã vận động được 215 hộ, thuộc các dự án nâng cấp QL14B, đường cao tốc Túy Loan – Hòa Liên và các dự án khác tại các xã.
“Những kết quả trên đã góp phần phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ huyện trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giải tỏa đền bù gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng””, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Trần Thị Kim nói.
Tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tính đến năm 2024, địa phương này đã trải qua 19 năm thực hiện công tác vận động di dời, giải tỏa với hơn 40 dự án đã và đang triển khai và có hơn 3.500 hộ nằm trong diện di dời giải tỏa. Trong đó, có các dự án trọng điểm của Trung ương và thành phố như: Khu Công nghệ cao, Nhà máy nước Hòa Liên, đường Nguyễn Tất Thành nối dài…
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Liên Ngô Thị Thanh Hà cho biết, thời gian đầu, công tác vận động di dời, giải tỏa trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn do tâm lý người dân vẫn còn nhiều e ngại, so sánh hoặc yêu cầu tăng giá đền bù,…
Xác định đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích người dân, Đảng ủy xã Hòa Liên đã chỉ đạo hệ thống chính trị, trong đó có Hội LHPN xã cùng vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp trong vận động giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Liên chia sẻ, trong vận động giải phóng mặt bằng, Hội LHPN xã luôn chú trọng thực hiện phương châm “bám sát cơ sở”, “mưa dầm thấm lâu” để lắng nghe những kiến nghị, ý kiến của người dân về phương án đền bù; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của các hộ trong diện giải toả để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Khéo léo, nhẹ nhàng, kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền, vận động, nên nhiều vấn đề phức tạp trong đền bù, giải phóng mặt bằng đã được cán bộ hội phối hợp giải quyết hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chị em.
Có thể nói, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo, việc gì cũng thành công”, Đà Nẵng đã vận dụng vào thực tế, giải quyết vướng mắc nhiều công trình, dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đó là minh chứng để khẳng định, việc giải phóng mặt bằng không thể thiếu vai trò của công tác dân vận.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng phát triển Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh.
HOÀNG PHAN - THANH HẢI