Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường lao động ở Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020
Thị trường lao động Thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua mới chỉ đạt được những bước đi ban đầu trên con đường giải phóng khỏi những tồn đọng từ hệ thống kinh tế mệnh lệnh hành chính và đang chịu sự tác động bởi đa dạng hóa các hình thức sở hữu của nền kinh tế và sự điều tiết của Nhà nước bằng pháp luật giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Bộ luật Lao động có từ năm 1994, đến nay qua 4 lần sửa đổi bổ sung và các Luật khác như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm… đã ngày càng hoàn thiện hơn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Thực trạng về thị trường lao động Đà Nẵng

Có thể nhận thấy, thị trường lao động Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động. Hiện tại, cung sức lao động tăng rất lớn; chỉ tính trong 5 năm gần đây, Đà Nẵng tăng 4,0% đến 4,2% (cả nước tăng 3,2% đến 3,5%); mỗi năm thành phố có khoảng 20 ngàn đến 25 ngàn người đến tuổi lao động và lao động nhập cư (cả nước 1,3 triệu đến 1,5 triệu người), tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm vẫn còn 4%. 
 
Nguồn cung lao động được đào tạo khá tốt, hằng năm trên địa bàn có khoảng 15 ngàn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường; đào tạo nghề có bằng cấp khoảng gần 5 ngàn và hàng chục ngàn lao động được đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% (cả nước 51%) qua đào tạo nghề 45% (toàn quốc 38%). Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, tuy là theo đường lối định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng không duy trì được cân đối ở tầm vĩ mô. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường tự chủ về tài chính đối với cơ sở đào tạo khiến cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục quốc dân bị lệch hướng. Sự bùng phát đơn lẻ của từng bộ phận là chủ yếu, không theo kế hoạch… gây ra sự mất cân đối với nhu cầu của xã hội ngày càng trầm trọng. 
 
Mặt khác, đào tạo không tính đến cơ cấu lao động của nền kinh tế, ngành nào dễ đào tạo thì đua nhau đào tạo. Hậu quả là Đà Nẵng có hơn 4 ngàn lao động tốt nghiệp đại học và trên đại học thất nghiệp. Bên cạnh đó, tâm lý của người lao động chỉ muốn làm thầy không muốn làm thợ và không có chính sách khuyến khích đối với đội ngũ công nhân lành nghề nên cơ cấu của lực lượng lao động được đào tạo không  đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam xếp vào hạng thấp nhất Đông Nam Á, mặc dù có qua đào tạo, sở hữu nhiều bằng cấp nhưng làm việc không đúng với nghề nghiệp.
 
Khi thị trường lao động phát triển, chất lượng lao động tăng; tính cạnh tranh cao thì sự thay đổi vị trí làm việc càng thêm phức tạp và phong phú. Hằng năm trên địa bàn thành phố có khoảng 9 ngàn đến 10 ngàn người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp và rồi trở lại với thị trường lao động tìm kiếm việc làm mới thay thế gần như thế. Vấn đề này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
 
Về cầu lao động, kinh tế thành phố trong những năm qua tăng  trưởng ổn định, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trong giai đoạn vừa qua, sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã tạo ra nhu cầu lao động tăng thêm khoảng 98 ngàn lao động, đã giải quyết việc làm cho 167.500 lao động, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 34 ngàn lao động. Đặc biệt, các ngành phát triển mạnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp FDI. Đây là nguồn tạo việc làm chất lượng và thu nhập cao cho người lao động của thành phố… Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay chưa chủ động tham gia vào đào tạo, dạy nghề, chưa đứng ở vai trò là người đặt hàng, đưa ra yêu cầu với các cơ sở đào tạo (theo kết quả Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động trong các đơn vị thuộc ngành dầu khí, dệt may, bưu chính viễn thông… thời gian qua  có rất ít doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo). Do vậy, doanh nghiệp thường bị động trong việc sử dụng lao động đã qua đào tạo và chủ yếu sử dụng kết quả đào tạo nhân lực từ các cơ sở đào tạo, dạy nghề…
 
Hệ thống dịch vụ việc làm tuy đã được hình thành cơ bản đáp ứng một phần trong công tác kết nối, giao dịch việc làm; có 7 cơ sở dịch vụ việc làm (4 cơ sở công lập, 3 cơ sở ngoài công lập), lớn nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức được sàn giao dịch việc làm định kỳ 3 phiên/tháng đảm nhận thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm; kết nối giải quyết việc làm được 35% tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn; tuy nhiên, hệ thống này phát triển còn chậm, manh mún, chưa có một cấu trúc tổ chức rõ ràng, đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ. 
 
Mặc dù khởi động được 5 năm nhưng hệ thống thông tin về thị trường lao động vẫn còn mang tính góp nhặt, chưa cập nhật đầy đủ và dự báo ngắn hạn, trung hạn làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá các đặc trưng và biến động của quan hệ cung - cầu sức lao động để phục vụ cho công tác kế hoạch hóa đào tạo chung cho toàn bộ hệ thống cũng như từng cơ sở đào tạo. Đặc biệt thông tin về cầu lao động chưa có một cơ chế ràng buộc để các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp một cách cơ bản để có cơ sở dữ liệu cân đối và dự báo.
Sự dịch chuyển lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức chưa có một cơ quan, tổ chức nào nắm bắt được và chưa có cơ chế quản lý. Trong khi lao động ở khu vực nông thôn ở các khu vực lân cận chiếm tỷ trọng khá cao, họ là những lao động đa phần không có chuyên môn, sẵn sàng chấp nhận những việc làm có thu nhập thấp, do vậy càng tăng thêm sự cạnh tranh tiêu cực trên thị trường lao động.
 
Định hướng và giải pháp trong giai đoạn 2016 - 2020    
 
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất lao động và phát triển nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng đúng hướng thì việc phát triển thị trường lao động có ý nghĩa to lớn. Trước hết, cần phải khắc phục những tồn tại, nhược điểm của thị trường lao động như những năm vừa qua, xây dựng hệ thống thông tin ngày càng đầy đủ hơn để kết nối cung - cầu lao động và dự báo thông tin thị trường nhằm kết nối giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, cụ thể:
 
Một là: Mở rộng cầu lao động, giải quyết dần mất cân đối cung – cầu về lao động bằng các gải pháp phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư thông qua việc quy hoạch phát triển kinh tế, nâng cao và giữ vững vị trí về chỉ số năng lực cạnh tranh, có chính sách khuyến khích về các điều kiện cho doanh nghiệp có kỹ thuật, công nghệ cao và các ngành kinh tế mũi nhọn; mở rộng và nâng cao chất lượng vườn ươm doanh nghiệp… tạo ra một thị trường cầu lao động phong phú, tạo nhiều chỗ làm việc mới.
 
Hai là: Phát triển thông tin thị trường lao động hoàn thiện hơn, trong đó chú trọng:
- Thu thập hệ thống dữ liệu cung – cầu lao động tương đối đầy đủ và có hệ thống. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thông tin thị trường lao động giai đoạn 2016 – 2020; có những giải pháp thu thập thông tin cung lao động từ các địa phương (từ tổ dân phố tổng hợp lên toàn thành phố) cung cấp dữ liệu đầy đủ về các thông số về cung lao động, địa chỉ từng lao động đang lao động, có nhu cầu tham gia lao động và nguồn cung cấp sức lao động mới. Thu thập thông tin cầu lao động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. 
- Xử lý, phân tích, tổng hợp, truyền tải, cung cấp và báo cáo thông tin thị trường lao động. Trên cơ sở dữ liệu xử lý một cách khoa học, hiệu quả làm cơ sở để thực hiện dự báo. 
- Hình thành một bộ phận dự báo có nghiệp vụ tốt tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng với nhiệm vụ chuyên dự báo ngắn hạn và trung hạn về thị trường lao động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. 
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động thông tin thị trường lao động ở địa phương, cơ sở. Xây dựng hệ thống tổ chức và quy trình thu thập xử lý thông tin hiệu quả.
 
Ba là: Xác định mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu của xã hội: 
- Hoàn thiện và luôn điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp 
- Tổ chức đào tạo cho các đối tượng ưu tiên và khuyến khích đào tạo cho lực lượng lao động ở các lĩnh vực có cầu lao động cao và dự kiến sẽ phát triển theo định hướng của nền kinh tế. 
- Thông qua hệ thống dịch vụ việc làm tư vấn nghề nghiệp cho lao động xác định mục tiêu nâng cao chất lượng sức lao động, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường sức lao động để có chất lượng và hiệu quả, tăng thu nhập và tái sản xuất sức lao động. 
- Tích cực thực hiện phân luồng đào tạo cho phù hợp với kết quả dự báo về cầu lao động.
 
Bốn là: Quy hoạch mạng lưới dịch vụ việc làm, xây dựng hệ thống dịch vụ việc làm có hiệu quả, đáp ứng được công tác thu thập xử lý thông tin, kết nối cung cầu, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động. Mở rộng và nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm định kỳ, tiến tới tổ chức giao dịch hằng tuần. Giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại và đưa lao động trở lại thị trường lao động nhanh và kết nối những người được đào tạo xong gia nhập thị trường lao động.
 
Năm là: Điều tra, nắm bắt thông tin thị trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức để có giải pháp quản lý và có những chính sách cho phù hợp, ưu tiên những lĩnh vực phụ trợ cho khu vực kinh tế chính thức phát triển bền vững. Có chính sách chống cạnh tranh không lành mạnh. Khi người lao động vào làm việc cho một đơn vị (nhất là việc làm có kỹ thuật cao) được đào tạo đầy đủ, năng suất lao động tốt bị một đơn vị khác nâng cao giá thuê để thu hút người lao động đó; vì thế có chế tài quy định chặc chẽ, trừ trường hợp lý do chính đáng về hợp lý hóa gia đình nhưng 2 đơn vị đó phải cách xa với độ xa nhất định không thể đi làm việc hằng ngày được.
 
Nguyễn Văn An
 
                                                                    
                                                                                
 
 
 
 
 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT