Đối với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về quy trình thực hiện thí điểm việc tiếp nhận xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng hiện tại vẫn còn tình trạng chuyển lòng vòng, kéo dài thời gian giải quyết xử lý trả lời. Chủ tịch yêu cầu các ngành cần phải đổi mới cách làm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xử lý giải quyết công việc. Chủ tịch cũng yêu cầu tập trung đầu mối tiếp nhận xử lý kiến nghị công dân, doanh nghiệ, phân loại các kiến nghị, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan để giải quyết trả lời thỏa đáng.
Vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quy chế làm việc cụ thể, theo đó yêu cầu các sở ngành phải phát huy vai trò tham mưu chuyên môn cho UBND thành phố; phải nghiên cứu đề xuất, dự thảo văn bản trình UBND thành phố và chịu trách nhiệm chính về văn bản đó. Văn phòng UBND thành phố chỉ xem xét về trình tự, thể thức, các yêu cầu của văn bản. Trường hợp có ý kiến khác sau khi đã trao đổi với sở nhưng chưa đồng nhất, thì ghi rõ trong phiếu trình và báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố. Bắt đầu từ tháng 10/2016, hàng tháng, các sở ngành phải có báo cáo để VP UBND thành phố theo dõi tổng hợp các công việc đã thực hiện và còn tồn đọng, đề xuất các biện pháp giải quyết báo cáo Chủ tịch.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng được Chủ tịch UBND thành phố đặt ra với nhiều trăn trở. Ông yêu cầu rà soát lại các thủ tục, giảm bớt các thủ tục phiền hà, tăng cường các biện pháp kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho dân cũng như đánh giá về chất lượng cán bộ làm nhiệm vụ này. Bà Võ Thị Như Hoa. Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng, hiện nay còn phổ biến tình trạng cán bộ từ chối tiếp nhận hồ sơ, hoặc hướng dẫn bổ sung nhưng không nêu rõ lý do hoặc chỉ nói miệng mà không phải bằng văn bản. Điều này làm người dân rất bức xúc. Nhưng khi đánh giá thì chỉ xét đến những trường hợp người dân đã được giải quyết xong hồ sơ nên việc đánh giá chưa khách quan, chưa đúng thực chất.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị phải xây dựng cách thức đánh giá cụ thể, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, từng cán bộ cụ thể; có thể vận dụng các tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xây dựng về chỉ số DCI để đánh giá hoạt động CCHC, năng lực thực hiện nhiệm vụ của các sở ngành, địa phương hàng năm.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống các công trình thủy lợi, bảo vệ các khu dân cư cơ sở hạ tầng của địa phương, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống này, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình UBND thành phố dự thảo Quyết định ban hành Quy định về phân cấp quản lý khai thác các công trình thủy lợi và công trình đê, kè trên địa bàn thành phố. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, hiện nay trên địa bàn thành phố có 66 công trình thủy lợi, (trong đó có 20 hồ chứa, 22 đập dâng , 24 trạm bơm) và hơn 52,7 km đê, kè. Công tác quản lý khai thác bảo vệ các công trình thủy lợi hiện tại chưa có những quy định phân giao cụ thể. Trong khi các công trình thủy lợi đều được xây dựng vận hành từ nhiều năm trước, nhiều cái đã xuống cấp; một số địa phương chưa có cán bộ có trình độ chuyên môn cũng như không thực hiện được việc duy tu, nâng cấp nên dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, làm giảm hiệu quả tưới tiêu, tiếm ẩn các nguy cơ về an toàn hồ đập, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu. Tại buổi làm việc, UBND thành phố đã thảo luận thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT phân cấp quản lý, phải giải quyết các vướng mắc với người dân tại Hồ Trước Đông và Hóc Khế để quản lý , khai thác toàn diện các công trình này. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu khẩn trương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão đang tới gần.
Tại cuộc họp, UBND thành phố thống nhất đề nghị của Sở Tài chính về sửa đổi, bổ sung đơn giá tiêu thụ nước sạch dùng cho sinh hoạt và các mục đích khác trên địa bàn xã Hòa Bắc và xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Theo đó, kể từ nay, người dân của 2 thôn Tà Lang, và Giàn Bí, xã Hòa Bắc cũng được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của thành phố về tiêu thụ nước sạch như với người dân thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, chỉ tính mức 2000 đ/m3 nước sạch, không tính giá bậc thang theo mức tiêu thụ và không thu tiền đối với các hộ sử dụng dưới 7m3/tháng.
UBND thành phố cũng đã xem xét và cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Khoa học Công nghệ về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố. Từ nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đổi mới công nghệ từ các nguồn quỹ phát triển KHCN của thành phố với mức cao hơn nhiều so với trước đây.
LÊ HOA