Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2020
Đăng ngày 07-06-2020 08:28, Lượt xem: 152

Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; Ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề cho người mới ra tù dưới 18 tuổi; 4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế thi hành án thương mại; Quy định việc in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2020.

Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 quy định Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Theo đó, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý  trong ứng xử với người được trợ giúp pháp lý, người trợ giúp pháp lý như sau:

- Không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý từ người được trợ giúp pháp lý hoặc người khác.

- Tôn trọng, lịch sự, thân thiện, nhiệt tình với người được trợ giúp pháp lý, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng đối với người được trợ giúp pháp lý, sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn phù hợp với người được trợ giúp pháp lý.

- Giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý để người được trợ giúp pháp lý biết và thực hiện.

- Không được có thái độ hách dịch, có các hành vi coi thường người được trợ giúp pháp lý hoặc phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý.

- Không được sách nhiễu, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý; hứa hẹn trước về kết quả giải quyết vụ việc, việc trợ giúp pháp lý.

- Không được xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Thông tư số 03/2020/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020 và thay thế Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008.

Ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề cho người mới ra tù dưới 18 tuổi

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định số 49/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.

4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế thi hành án thương mại

Có hiệu lực từ ngày 01/6/2020, Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại.

Theo đó, các loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại như sau:

- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức;

- Số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;

- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này nếu không phải là tài sản để kinh doanh;

- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Cũng theo Nghị định số 44/2020/NĐ-CP, trường hợp pháp nhân thương mại không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự có quyền kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Ngoài các loại tài sản trên, đơn vị thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh được phép kê biên phương tiện giao thông; quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với đất; tài sản đang cầm cố, thế chấp... của pháp nhân thương mại khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực.

Quy định việc in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2020, Thông tư số 32/2019/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, quy định việc in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành GDNN như sau:

- Việc in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành GDNN được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Cơ sở đào tạo, nghiên cứu thực hiện công bố công khai, cập nhật dữ liệu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành GDNN trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, nghiên cứu và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung thông tin công khai gồm các nội dung ghi trên chứng chỉ và phải đảm bảo chính xác với sổ cấp chứng chỉ; phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm dễ quản lý, truy cập và tìm kiếm.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác