Chính sách mới về lao động có hiệu lực từ tháng 12/2016
Hỗ trợ đào tạo sơ cấp cho nhiều đối tượng lao động; Phạt nặng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ; Trợ cấp độc hại cho bảo vệ nghĩa trang; 4 ngạch công chức quản lý thị trường; Thời gian tập sự của viên chức ngành Tài nguyên môi trường; Mức chi khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân tâm thần; Trang bị vũ khí cho bảo vệ rừng là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Hỗ trợ đào tạo sơ cấp cho nhiều đối tượng lao động
 
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng.
 
Theo đó, lao động nữ bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
 
Để được hỗ trợ chi phí trên, lao động nữ bị mất việc làm phải có một trong các giấy tờ: quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng lao động đã hết hạn. Trường hợp lao động nữ làm việc không theo hợp đồng, khi bị mất việc làm cũng vẫn được hỗ trợ đào tạo nếu có giấy xác nhận của người sử dụng lao động. Trường hợp tự tạo việc làm, người lao động cần cung cấp giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của UBND cấp xã (trong trường hợp không có Giấy đăng ký kinh doanh).
 
Thông tư số 152/2016/TT-BTC cũng quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.
 
Hỗ trợ người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.
 
Hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg; lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.
 
Người thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc các đối tượng quy định nêu trên, mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.
 
Thông tư số 152/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 4/12/2016

Phạt nặng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán.
 
Theo đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 400 - 700 triệu đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Nghị định số 145/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/12/2016. 
 
Trợ cấp độc hại cho bảo vệ nghĩa trang
 
Từ 10/12, Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ sẽ được hưởng trợ cấp độc hại sẽ chính thức có hiệu lực.
 
Cụ thể, mức hệ số phụ cấp độc hại, nguy hiểm 0,1 sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công việc gồm: tổ chức tiếp đón, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ; phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng; tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ; khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ; bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang.
 
Về phụ cấp, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng ½ ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
 
Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả công chức đang trong thời gian tập sự, viên chức đang trong thời gian thử việc) và người lao động trong chỉ tiêu biên chế và số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

4 ngạch công chức quản lý thị trường
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định về ngạch công chức Quản lý thị trường; phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.
 
Trong đó, công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường như sau: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
 
Thời gian tập sự của viên chức ngành Tài nguyên môi trường
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-BTNMT quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức các chuyên ngành: địa chính, đo đạc bản đồ, dự báo khí tượng thủy văn, kiểm soát khí tượng thủy văn, quan trắc tài nguyên và môi trường, điều tra tài nguyên và môi trường.
 
Thông tư số 28/2016/TT-BTNMT áp dụng đối với người trúng tuyển vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường hạng IV, hạng III trong đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường.
 
Về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức, để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường hạng IV, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
 
Để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường hạng III, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng.
 
Thông tư cũng quy định cụ thể đối với trường hợp đặc biệt về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau: người trúng tuyển vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường hạng IV, hạng III nếu đã làm những công việc chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên thì được miễn thực hiện chế độ tập sự.
 
Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau từ 03 ngày làm việc liên tục trở lên; thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật của người trúng tuyển không được tính vào thời gian tập sự. Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội; đã hết thời gian nghỉ ốm; hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
 
Thông tư số 28/2016/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2016.
 
Mức chi khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân tâm thần
 
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BYT quy định thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.
 
Theo đó, mức chi ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc 01 người bệnh tâm thần trên 01 đợt điều trị dao động từ 5,2 đến 8,9 triệu đồng; cụ thể một vài trường hợp như sau:
 
- Rối loạn tâm thần do sử dụng rượu: 5.250.000 đồng
 
- Rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc an dịu hoặc thuốc ngủ: 6.420.000 đồng
 
- Rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc lá: 5.640.000 đồng
 
- Giai đoạn trầm cảm: 8.920.000 đồng
 
- Rối loạn ăn uống: 5.760.000 đồng
 
- Động kinh: 5.570.000 đồng
 
Trang bị vũ khí cho bảo vệ rừng
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.
 
Theo đó, khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm kịp thời báo cáo với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định.
 
Trường hợp cần thiết, được sử dụng công cụ hỗ trợ như các loại súng dùng để bắn đạn cao su, đạn hơi cay và các loại đạn dùng cho các loại súng này; dùi cui điện, dùi cui cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay; áo giáp, găng tay bắt dao; mũ chống đạn.
 
Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2016.
 
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT