Chính sách mới về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2016
Hướng dẫn việc đăng ký bán đấu giá cổ phần; Quyền sử dụng vốn trong Quản lý tài chính Công ty Mua bán nợ Việt Nam; Hình thức rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài; Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; Định mức tiêu hao năng lượng ngành sản xuất bia là những chính sách mới về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Hướng dẫn việc đăng ký bán đấu giá cổ phần
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 196/2011/TT-BTC hướng dẫn về việc bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Theo đó, trường hợp Ban chỉ đạo cổ phần hóa (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa theo ủy quyền) đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) trước ngày 01/11/2016 thì doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục thực hiện việc đăng ký bán đấu giá cổ phần theo hướng dẫn tại Thông tư số 196/2011/TT-BTC.
Đến thời điểm 01/11/2016 mà Ban chỉ đạo cổ phần hóa (hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa theo ủy quyền) chưa ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với SGDCK thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 115/2016/TT-BTC.
Thông tư số 115/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016
Quyền sử dụng vốn trong Quản lý tài chính Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Theo Thông tư số 134/2016/TT-BTC về Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam, Công ty được chủ động sử dụng vốn của để phục vụ các hoạt động kinh doanh như:
- Mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
- Thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty; Sửa chữa, nâng cấp tài sản; Đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty.
Thông tư số 134/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016 và áp dụng từ năm tài chính 2016 trở đi.
Hình thức rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài
Có hiệu lực từ 01/11/2016, Thông tư số 111/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hình thức rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài như sau:
- Phương thức hỗ trợ ngân sách: Vốn ODA, vốn vay ưu đãi được giải ngân về Ngân sách Nhà nước đối với chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp/ tài trợ dựa trên kết quả.
- Tài trợ theo chương trình, dự án:
Thanh toán trực tiếp và thanh toán chuyển tiền.
Thanh toán theo thư cam kết: Theo đề nghị của bên vay, nhà tài trợ phát hành thư cam kết trả lại tiền cho Ngân hàng thương mại khoản thanh toán đã thực hiện cho nhà thầu, nhà cung cấp theo phương thức thanh toán Thư tín dụng L/C.
Hoàn vốn/ hồi tố: Nhà tài trợ thanh toán tiền từ khoản vốn vay vào tài khoản do bên vay chỉ định để hoàn lại các khoản chi hợp lý cho chủ dự án.
Tài khoản tạm ứng: Nhà tài trợ tạm ứng trước một khoản tiền, mở tài khoản riêng cho dự án tại Ngân hàng để bên vay chủ động thanh toán khoản chi tiêu thường xuyên và hợp lệ của dự án.
Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
Theo Thông tư số 22/2016/TT-BCT của Bộ Tài chính về việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, C/O điện tử được xây dựng theo “Hướng dẫn Thực hiện thông điệp và Đặc tả xử lý C/O mẫu D ATIGA điện tử” và được truyền theo phương thức điện tử giữa các Nước thành viên thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.
C/O điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương C/O giấy; có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy.
Về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử: tiến hành kiểm tra tương tự như C/O giấy; được chấp nhận, được xác minh là được khai đầy đủ và xác thực theo hình thức điện tử.
Về lưu trữ, duy trì dữ liệu hồ sơ C/O: các bên liên quan (Người sản xuất và/hoặc xuất khẩu; Tổ chức cấp C/O) phải lưu trữ chứng từ/hồ sơ đề nghị cấp C/O trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp/ ngày cấp.
Thông tư số 22/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày15/11/2016, bãi bỏ Thông tư số 21/2010/TT-BCT và Thông tư số 42/2014/TT-BCT.
Định mức tiêu hao năng lượng ngành sản xuất bia
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:
- Đối với cơ sở có quy mô công suất trên 100 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 140 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là 129 MJ/hl.
- Đối với cơ sở có quy mô công suất 20 – 100 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 215 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là 196 MJ/hl.
- Đối với cơ sở có quy mô công suất dưới 20 triệu lít thì định mức tiêu hao đến năm 2020 là 306 MJ/hl, từ năm 2021 đến hết năm 2025 là là 286 MJ/hl.
Suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia đến hết năm 2025 không được vượt quá định mức trên.
Nếu cao hơn thì cơ sở phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Thông tư số 19/2016/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2016,
Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu với DNNN cổ phần hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 196/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) sẽ có hiệu lực. Theo đó:
- DNNN khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) phải gắn việc đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán đồng thời với việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần.
- Doanh nghiệp CPH phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần trong 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá.
- Kết quả bán cổ phần phải kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
- Ban Chỉ đạo CPH ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp CPH ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần.
Thông tư số 115/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2016.
KIM TUẤN