Chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 11/2016
Bổ sung mức phụ cấp đối với số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội; Điều kiện vay vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; Quy định chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả là những chính sách nổi bật về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Bổ sung mức phụ cấp đối với số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội
Từ 25/11/2016 Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán thuộc Toà án quân sự các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên thuộc Thanh tra quốc phòng; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra hình sự, cơ quan an ninh điều tra các cấp; Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu được hưởng mức phụ cấp 15%.
Mức phụ cấp 10% áp dụng đối với Kiểm tra viên thuộc Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Thẩm tra viên và Thư ký tòa án thuộc Tòa án quân sự các cấp; Thẩm tra viên thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu.
Điều kiện vay vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
Từ 01/11/2016, tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thì phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, chịu trách nhiệm dân sự theo quy định; Có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện dự án.
- Thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay theo Điều 7 Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan; Vào thời điểm đề nghị vay vốn, không có các khoản nợ đọng thuế, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Có vốn tự có tham gia thực hiện dự án tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư của dự án.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/09/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Nghị định số 135/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất. Trong đó, sửa đổi quy định thu tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất. Cụ thể, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì tiền sử dụng đất phải nộp là số tiền trúng đấu giá.
Việc xác định giá khởi điểm cụ thể như sau: Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với tỉnh còn lại là giá đất cụ thể do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, chuyển cho Hội đồng thẩm định giá đất của địa phương do Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất mà diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với tỉnh còn lại là giá đất cụ thể do cơ quan tài chính xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản thuộc sở hữu nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Nghị định số 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/11/2016.
Quy định chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả
Có hiệu lực từ 01/11/2016, Thông tư số 32/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo đó, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm: chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện. Đồng thời, chi trả chi phí liên quan đến y tế…
Bên cạnh đó, bên nhờ mang thai hộ cũng phải trả chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, chi phí các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh cho người mang thai hộ theo thỏa thuận giữa 2 bên. Mức chi phí xác định theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.
Thông tư số 32/2016/TT-BYT nêu rõ, bên nhờ mang thai hộ phải chi trả đầy đủ chi phí theo quy định cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ BHYT. Người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT.
KHÁNH VÂN