Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2016
Quyền được cung cấp dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo; Tăng mức bồi dưỡng thành viên trong phiên điều trần vụ việc cạnh tranh; Khuyến khích đầu tư phát triển rừng ven biển; Điều kiện làm Thanh tra quốc phòng; Cấm Kiểm toán viên sách nhiễu là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Quyền được cung cấp dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo
Bộ Tài nguyên Môi trường vừa ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo thông qua hình thức: mạng điện tử, hình thức hợp đồng, phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu.
Việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu bằng hình thức hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu với tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 20/2016/TT-BTNMT .
Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.
Tăng mức bồi dưỡng thành viên trong phiên điều trần vụ việc cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg quy định về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.
Theo đó, tăng mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần so với quy định tại Quyết định 82/2010/QĐ-TTg , cụ thể:
- Chủ tọa phiên điều trần được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Điều tra viên; người giám định, người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời, triệu tập được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày.
- Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật.
- Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng được Hội đồng Cạnh tranh mời tham gia phiên điều trần được thanh toán chi phí đi lại.
Ngoài ra, đối với người tham gia tọa đàm, họp xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại đều được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định này.
Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.
Khuyến khích đầu tư phát triển rừng ven biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu . Đây là một trong những chính sách mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó biến đối khí hậu
Theo Nghị định, các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định những hoạt động khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán. Được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển. Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.
Nghị định số 119/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016.
Điều kiện làm Thanh tra quốc phòng
Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016, Quyết định số 31/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng, áp dụng đối với Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên quốc phòng được thực hiện như sau:
Thanh tra viên quốc phòng phải tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên; Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 1; Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra, trừ trường hợp đã qua cương vị chỉ huy cấp tiểu đoàn và cương vị công tác tương đương hoặc sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ có cấp hàm từ đại úy trở lên chuyển sang cơ quan thanh tra.
Nhiệm vụ của thanh tra viên quốc phòng là tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác thanh tra; giúp Thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; Lập biên bản, viết báo cáo kết quả thanh tra…
Cấm Kiểm toán viên sách nhiễu
Có hiệu lực từ ngày 12/10/2016, Quyết định số 04/2016/QĐ-KTNN của kiểm toán nhà nước ban hành Quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên Nhà nước, cụ thể:
Kiểm toán viên Nhà nước không được lợi dụng danh nghĩa để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần nhằm vụ lợi; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không được dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán vì nhu cầu cá nhân; không gợi ý, đề nghị được ưu đãi hoặc thiên vị cho những người quen thân trong quan hệ với đơn vị được kiểm toán và quan hệ khác.
Kiểm toán viên Nhà nước không cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc những thông tin chưa được phép công bố; không viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính trái quy định...
KHÁNH VÂN