Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2023.
Đăng ngày 17-06-2023 05:24, Lượt xem: 78

Hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Từ 15/6/2023 sẽ thay đổi cách tính giá điện cho người thuê nhà; Điều kiện được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức; Quy định điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 6/2023.

Hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945

Có hiệu lực từ ngày 05/6/2023, Thông tư số 14/2023/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.

Theo đó, quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 như sau:

- Cá nhân viết bản khai theo Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại Điều 5 Nghị định 131/2021/NĐ-CP .

- Sau khi nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ban Thường Vụ Đảng ủy Công an Trung ương giao Cục Tổ chức cán bộ chủ trì thẩm định, báo cáo.

- Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, Cục Tổ chức cán bộ có trách nhiệm phối hợp với Công an đơn vị, địa phương liên quan xác minh, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương xem xét, ban hành quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 theo Mẫu số 49 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP; đồng thời, chuyển hồ sơ kèm theo quyết định công nhận đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người hưởng trợ cấp thường trú để thực hiện chế độ ưu đãi.

Thông tư số 14/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2023 và thay thế Thông tư số 61/2013/TT-BCA.

Từ 15/6/2023 sẽ thay đổi cách tính giá điện cho người thuê nhà

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 và Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 quy định về thực hiện giá bán điện.

Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 09/2023/TT-BCT, Bộ Công thương sửa đổi quy định bán điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), cách tính giá bán điện cho nhóm này được chia thành 3 trường hợp như sau:

- Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

- Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

- Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Cũng theo Thông tư số 09/2023/TT-BCT, khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Đồng thời, bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.

Thông tư số 09/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2023.

Điều kiện được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BNV hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Thông tư số 03/2023/TT-BNV nêu rõ điều kiện để được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên có đủ các điều kiện sau đây:

- Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.

- Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.

Cũng theo Thông tư số 03/2023/TT-BNV, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bị thu hồi trong các trường hợp sau:

- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập đối với người được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận.

- Cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền.

- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

- Để cho người khác sử dụng.

- Do lỗi của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ, giấy chứng nhận do đơn vị mình cấp. Trường hợp Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu đã sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan cấp trên trực tiếp các đơn vị này có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ, giấy chứng nhận.

Thông tư số 03/2023/TT-BNV có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2023.

Điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Có hiệu lực từ ngày 03/6/2023, Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Theo đó, điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được quy định như sau:

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên phải đáp ứng các điều kiện bao gồm:  Đội ngũ giảng viên có trình độ đại học trở lên thuộc nhóm ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam đồng thời có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; Chương trình chi tiết và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành và các thiết bị khác đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Có đề án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phải đáp ứng các điều kiện bao gồm như sau: Đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số hoặc có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến bồi dưỡng; Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cơ quan có thẩm quyền ban hành; Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học đáp ứng yêu cầu chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Có đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 03/6/2023 và thay thế Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT .

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT