Tổng hợp chính sách mới về lao động có hiệu lực trong tháng 11/2015
Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động; thêm nhiều chính sách đối với lao động nữ; chế độ phụ cấp cho trợ giúp viên pháp lý; chế độ bồi dưỡng cho CAND làm việc với đối tượng nhiễm HIV; phạt đến 75 triệu đồng nếu người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định là những chính sách về lao động có hiệu lực trong tháng 11/2015
Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động
 
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cụ thể, Nghị định quy định các mức xử lý vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sử dụng lao động... như sau:
 
 -  Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm.
 
- Phạt tiền từ 45 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.
 
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;  không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưu, giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định…
 
Nghị định số 88/2015/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành từ 25/11/2015.
 
Thêm nhiều chính sách đối với lao động nữ
 
Có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động. 
 
Trong đó, lao động nữ có những quyền lợi về cải thiện điều kiện lao động và điều kiện chăm sóc sức khỏe, cụ thể:
 
- Người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ.
 
- Khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản.
 
- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ hưởng nguyên lương.
 
- Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu có xác nhận của  cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
 
- Được người sử dụng lao động hỗ trợ trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo.
 
Chế độ phụ cấp cho trợ giúp viên pháp lý
 
Nghị định số 80/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 07/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý, việc bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) có những thay đổi như sau:
 
Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có). Khi tham gia tố tụng Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 40% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước. Khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước.
 
Trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng thì mức bồi dưỡng được trả cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước là 500.000 đồng/01 buổi làm việc hoặc khoán chi theo vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 tháng lương cơ sở và mức tối đa là 10 tháng lương cơ sở (tùy tính chất, nội dung vụ việc). Bộ Tư pháp quy định cụ thể về tính chất, nội dung vụ việc, cách tính buổi, tính thời gian để làm căn cứ khoán chi hoặc chi trả mức bồi dưỡng cho luật sư theo buổi hoặc theo thời gian làm việc.
 
Nghị định số 80/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11/2015.
 
Chế độ bồi dưỡng cho CAND làm việc với đối tượng nhiễm HIV
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 43/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS.
 
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ CAND sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng trong thời gian trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS như sau:
 
- Mức 500.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ y tế, trinh sát, trực cơ sở, giáo dục, quản giáo, cảnh sát bảo vệ - cơ động, giáo viên dạy văn hóa trong các trường giáo dưỡng thuộc lực lượng CAND…
 
- Mức 400.000 đồng/người/tháng đối với Trưởng phân trại, Trưởng phân khu, Trưởng phân hiệu, Đội trưởng và các chức danh phó; cán bộ, chiến sĩ tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc…
 
Quyết định số 43/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ 01/11/2015.
 
Phạt đến 75 triệu đồng nếu người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định 
 
Đây là nội dung nổi bật trong Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/10/2015 sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cụ thể, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định sẽ bị phạt tiền với các mức sau:
 
- Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
 
- Từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
 
- Từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
 
Nghị định số 88/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/11/2015.
 
 
NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT