Chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 4/2016
Bồi thường bảo hiểm người tối đa 100 triệu đồng/vụ; Điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; Rút ngắn thời hạn cấp giấy phép cho lao động; Quy định mới về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là những chính sách nổi bật về lao động có hiệu lực từ tháng 4/2016.

Bồi thường bảo hiểm người tối đa 100 triệu đồng/vụ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo đó, từ ngày 1/4/2016, số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả trong trường hợp có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn (mức cũ là 70 triệu đồng/người/vụ)

Với thiệt hại về tài sản, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe môtô hai bánh, xe gắn máy gây ra (mức cũ 40 triệu đồng); mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/vụ tai nạn, tăng 30 triệu đồng/vụ.

Điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Từ ngày 01/4/2016, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực.

Đối tượng áp dụng Nghị định 11/2016/NĐ-CP là những người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tình nguyện viên, chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật; xác định công việc được sử dụng người lao động nước ngoài; người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp giấy phép lao động; cấp lại giấy phép lao động; thu hồi giấy phép lao động, trục xuất người lao động nước ngoài.

Điều kiện để người nước ngoài được cấp giấy phép lao động khi có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Theo đó,  công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

Nghị định số 13/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 08/04/2016,

Rút ngắn thời hạn cấp giấy phép cho lao động

Có hiệu lực từ 01/4/2016, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP rút ngắn thời hạn cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Cụ thể, trong thời hạn 07 ngày (thời hạn cũ là 10 ngày) làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Quy định mới về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bộ Lao động Thương binh xã hội đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

- Người lao động  làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng trước 01/01/2018.

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng từ 01/01/2018 trở đi.

- Người lao động  giúp việc gia đình.

- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu.

- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố.

- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.

- Người tham gia khác.

Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 04/4/2016 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2016.


 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT