Tìm kiếm giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho các trường phổ thông
Đăng ngày 10-10-2022 16:56, Lượt xem: 190

Chiều 10-10, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo với chủ đề “Cơ hội, thách thức và một số giải pháp cho các trường phổ thông”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là Giám đốc các Trung tâm GDTX, Hiệu trưởng các trường THPT, THCS, Tiểu học.

Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày, giới thiệu các mô hình giúp các cơ sở giáo dục có thêm cách tiếp cận về chuyển đổi số để có thể áp dụng trong thời gian đến.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh cho biết, vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của ngành GD&ĐT chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục.


Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức giáo dục, phương thức dạy học, phương thức quản lý giáo dục; tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao.

“Thời gian qua, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã và đang thực hiện bước đầu trong việc chuyển đổi số. Như tạo cơ sở dữ liệu về giáo dục, triển khai hệ thống thông tin chính quyền điện tử, chữ ký số cho các đơn vị trường học…cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Cơ bản chúng ta đã đáp ứng được hoạt động dạy học, giáo dục, đặc biệt đánh giá kết quả học tập bằng nhiều hình thức trong điều kiện dịch bệnh”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Thế Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường VKU, hiện nay, đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các trường THPT trên địa bàn thành phố rất ít. Đó chính là một trong những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, tại các trường đại học đã có bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin hoặc một tổ chuyển đổi số.


Hội thảo có sự tham dự của Giám đốc các Trung tâm GDTX, Hiệu trưởng các trường THPT, THCS, Tiểu học.

TS. Trần Thế Sơn cho rằng, có 2 việc các trường cần làm khi chuyển đổi số hiện nay, đó là tạo mô hình quản trị và thay đổi được phương pháp giảng dạy để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Để làm được điều đó, các trường có thể lựa chọn phương án chuyển đổi số bằng cách phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin, hoặc hợp tác với các trường đại học chuyên ngành khi họ có sẵn hạ tầng.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng: “Để thúc đẩy chuyển đổi số ở mỗi trường THPT thì việc đầu tiên làm không phải là công nghệ, các giải pháp, phần mềm hay ứng dụng mà đó là phải thay đổi cách thức và tư duy về việc quản lý trường học, cách dạy, cách định nghĩa lại chúng ta đang làm gì ở môi trường giáo dục. Nếu không làm được việc đó thì chúng ta càng cố gắng áp dụng giải pháp công nghệ sẽ làm rối hơn…”

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, muốn thúc đẩy chuyển đổi số ở trường hiệu quả thì những người lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và học sinh phải có tư duy số; đồng thời tất cả mọi người phải có năng lực số, có thể thích ứng hiệu quả với môi trường số.


Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, Sở GD&ĐT xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng đối với ngành giáo dục.

Chính vì thế, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận đề nghị: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, đánh giá, kiểm tra và quản lý… sẽ giúp chất lượng tăng lên. Mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý của ngành không ngừng học tập, tìm kiếm giải pháp, mô hình, nội dung có hiệu quả trong việc dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố trong thời gian đến”.

HỒNG QUÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT