Quy hoạch phát triển đào tạo nghề thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2011 - 2020
Đăng ngày 10-04-2017 10:02, Lượt xem: 1789

Phê duyệt Quy hoạch phát triển đào tạo nghề (ĐTN) thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:
 

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm


a) ĐTN là một bộ phận quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nhanh đội ngũ lao động có tay nghề cao là giải pháp đột phá để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

b) ĐTN phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, gắn ĐTN với chương trình “Có việc làm” của thành phố. Phát triển ĐTN phải bảo đảm mở rộng quy mô hợp lý; cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trường, lớp, cơ cấu trình độ theo yêu cầu phát triển của thành phố và cân đối ở các địa bàn.

c) Phát triển ĐTN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa một cách toàn diện, đồng bộ về mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề theo từng giai đoạn.

d) Phát triển đào tạo nghề có trọng điểm: Một số trường trọng điểm và một số nghề trọng điểm; một số cơ sở ĐTN và một số nghề tiếp cận với chuẩn khu vực và thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động ĐTN và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát


Đào tạo nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu về đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên làm việc trực tiếp trong các ngành kinh tế; bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo; có phẩm chất nhân cách, năng lực nghề nghiệp và sức khỏe, phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2011-2015: ĐTN cho 195,5 ngàn người, trong đó: 100% cao đẳng nghề, 28% trung cấp nghề. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt 55%. Khoảng 95% số người học nghề có việc làm.

- Giai đoạn 2016-2020: ĐTN cho 207,9 ngàn người, trong đó: 15% cao đẳng nghề, 32% trung cấp nghề. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt 65%. Khoảng 95% số người học nghề có việc làm.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGHỀ ĐẾN NĂM 2020

1. Phát triển mạng lưới cơ sở ĐTN


- Đến năm 2015, có khoảng 60 cơ sở ĐTN. Trong đó, có ít nhất 05 trường hợp cao đẳng nghề; 12 trường trung cấp nghề, 20 trung tâm dạy nghề và 23 cơ sở khác có ĐTN. Xây dựng 4 nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế: Công nghệ ô tô và Cơ điện tử (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng); Quản trị khu Resort và Kỹ thuật chế biến món ăn (Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng); 4 nghề trọng điểm theo cấp độ khu vực ASEAN: Điện tử công nghiệp (Trường TCN số 5/BQP); Cơ điện lạnh thủy sản, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp (Trường CĐN Đà Nẵng); Quản trị lữ hành (Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng); ít nhất 4-6 nghề trọng điểm cấp quốc gia.

- Đến năm 2020, có khoảng 75 cơ sở ĐTN. Trong đó, có 07 trường cao đẳng nghề; có ít nhất 01 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 01 trường Cao đẳng nghề đạt chuẩn ASEAN; các trường cao đẳng nghề ngoài công lập ít nhất 1-2 nghề trọng điểm. Có 15 trường trung cấp nghề, 23 trung tâm dạy nghề và 30 cơ sở khác có ĐTN.

- Tập trung đầu tư trọng điểm cho Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt chuẩn khu vực ASEAN vào năm 2015. Xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng trở thành trường trọng điểm về ĐTN du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xúc tiến đầu tư thành lập trường nghề quốc tế trên địa bàn. Khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đăng ký hoạt động ĐTN. 

- Huy động các nguồn vốn đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực ĐTN của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp - tổng hợp - dạy nghề ở các quận, huyện;

- Thành phố dành quỹ đất để phát triển mạng lưới các cơ sở ĐTN, bao gồm quỹ đất dành cho chuẩn hóa các cơ sở ĐTN hiện có và xây dựng mới cơ sở ĐTN. Ưu tiên phân bố các cơ sở ĐTN ở huyện Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Cẩm lệ để phát triển các cơ sở dạy nghề mới. Tổng diện tích 600.000 - 800.000m2.

2. Quy mô, cấp trình độ đào tạo

Đến năm 2015, thành phố Đà Nẵng có 296.300 lao động qua đào tạo nghề (chiếm 55% trong lực lượng lao động) và đến năm 2020 có 438.000 lao động qua đào tạo nghề (chiếm 65% trong lực lượng lao động)

Giai đoạn 2011-2015: 234.600 học sinh, sinh viên; trong đó: Trình độ sơ cấp nghề 62%, trung cấp nghề 28% và cao đẳng nghề 10%.

Giai đoạn 2016-2020: 249.480 học sinh, sinh viên; trong đó: Trình độ sơ cấp nghề 53%, trung cấp nghề 32% và cao đẳng nghề 15%.

3. Ngành nghề đào tạo

a) Ngành dịch vụ


Phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, là một trong năm hướng đột phá của chiến lược phát triển KT-XH thành phố.

Ưu tiên phát triển và hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Viễn thông, vận tải, cảng biển, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Trong giai đoạn 2011-2020 ưu tiên một số ngành nghề đào tạo:

1.    Sư phạm dạy nghề
2.    Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
3.    Kế toán, kiểm toán
4.    Du lịch, giải trí
5.    Dịch vụ vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường
6.    Quản trị kinh doanh
7.    Dịch vụ chăm sóc gia đình, người già, trẻ em
8.    Khách sạn, nhà hàng
9.    Vận tải đường bộ, thủy, đường biển
10.    Dịch vụ bưu chính
11.    Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp
12.    Tham quan, du lịch

b) Ngành công nghiệp

Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin là một trong năm hướng đột phá của chiến lược phát triển KT-XH thành phố.

Ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ; chú trọng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, như sản phẩm thiết bị điện, điện tử, dược, phần mềm tin học, vật liệu mới, công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu. Trong giai đoạn 2011-2020 ưu tiên một số ngành nghề đào tạo:

1.    Máy tính
2.    Công nghệ ô tô
3.    Công nghệ thông tin
4.    Công nghệ máy tàu thủy
5.    Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử - viễn thông
6.    Sửa chữa thiết bị chính xác
7.    Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và bảo trì
8.    Kỹ thuật điện
9.    Công nghệ kỹ thuật cơ khí chế tạo
10.    Kỹ thuật điện tử
11.    Công nghệ điện hóa
12.    Vận hành truyền tải điện
13.    Công nghệ chế biến
14.    Cơ điện, cơ điện tử
15.    Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và xây dựng
16.    Kỹ thuật viễn thông

c) Ngành nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Xây dựng nông thôn mới văn minh, kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Ưu tiên đào tạo các ngành nghề chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2020 ưu tiên một số ngành nghề đào tạo:

1.    Kỹ thuật trồng cây
2.    Kỹ thuật trồng rau
3.    Kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt thủy sản
4.    Sinh vật cảnh
5.    Thuyền viên
6.    Môi trường
7.    Cơ điện nông thôn
8.    Kỹ thuật chế biến, bảo quản
9.    Kỹ thuật nuôi cấy mô, chọn và nhân giống cây trồng, vật nuôi

4. Chương trình đào tạo nghề

Chương trình đào tạo nghề đảm bảo bám sát với yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với kỹ thuật, công nghệ mới, trình độ quản lý trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; tiếp cận với chương trình ĐTN tiên tiến của quốc tế và khu vực ASEAN; đảm bảo học liên thông giữa các trình độ đào tạo trong nước, chương trình một số có thể liên thông được với chương trình ĐTN tương ứng của nước ngoài. Xây dựng chương trình ĐTN bằng tiếng Anh để giảng dạy trong các trường trọng điểm, các nghề trọng điểm.

5. Giáo viên đào tạo nghề

Xây dựng đội ngũ giáo viên phải đảm bảo số lượng và chất lượng cho phù hợp; đồng thời tăng cường bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, khả năng tự nghiên cứu của giáo viên và đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Số lượng giáo viên đến năm 2020 cần phải có 2.189 giáo viên với 98 - 100% đạt chuẩn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề và định mức chuẩn quy định là 1 giáo viên/20 học sinh (quy đổi),

Trong 10 năm 2011 - 2020 cần bổ sung thêm ít nhất 454 giáo viên ở các trình độ khác nhau. Số cán bộ và nhân viên quản lý dạy nghề xấp xỉ bằng 40% số giáo viên.

- Đổi mới phương pháp tuyển chọn giáo viên theo hướng: Tuyển những người đã đạt chuẩn chuyên môn để đào tạo, đã có kỹ năng nghề cao, hoặc đã qua sản xuất, công nhân có tay nghề cao; đãi ngộ, thu hút nghệ nhân để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề trở thành giáo viên ĐTN. Xúc tiến thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tại Đà Nẵng vào thời gian phù hợp.

- Xây dựng chính sách của thành phố về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giáo viên ĐTN. Đặt hàng cho các trường đại học sư phạm kỹ thuật trong và ngoài nước để đào tạo giáo viên hạt nhân của một số nghề trọng điểm, mũi nhọn của thành phố. Đào tạo hợp lý số giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước để dạy nghề trình độ cao đẳng.

- Đảm bảo đến năm 2020, 100% cán bộ lãnh ssạo, quản lý của cơ sở dạy nghề được đào tạo về kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ quản lý trường, công tác học sinh, sinh viên.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Nhóm giải pháp và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về học nghề, ĐTN


- Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo nghề và sử dụng lao động có tay nghề; coi ĐTN là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nhân dân, đặc biệt là thanh niên và những người trong độ tuổi lao động nhân thức đúng về vị trí, vai trò của ĐTN; về nghề nghiệp và học nghề để thay đổi hành vi, thu hút ngày càng nhiều người học nghề. Nâng cao nhận thức của doanh nhân về lợi ích của ĐTN đối với sự phát triển của doanh nghiệp để từ đó chủ động tham gia, đóng góp chính vào hoạt động ĐTN.

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông để định hướng học sinh học nghề.

- Các tổ chức chính trị, xã hội, các hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp (nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố về ĐTN; vận động thanh niên học nghề, tham gia công tác ĐTN.

- Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng ngày hội tuyển sinh học nghề, tư vấn mùa tuyển sinh, hội thi giáo viên dạy nghề giỏi, hội thi tay nghề giỏi, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm.

2. Nhóm các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng ĐTN

- Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề.

- Chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ĐTN, giáo viên dạy nghề. Tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại cho Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng.

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở ĐTN với nhau, giữa cơ sở ĐTN và các cơ sở giáo dục khác, giữa cơ sở ĐTN và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và chất lượng ĐTN.

- Kiểm định chất lượng cơ sở ĐTN và chương trình ĐTN trọng điểm. Đến năm 2015, 100% các trường cao đẳng nghề và trường trung cấp nghề được kiểm định và công bố chất lượng; có 3-5 chương trình ĐTN trọng điểm được kiểm định chất lượng, với bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đào tạo đội ngũ kiểm định viên và cán bộ tự kiểm định của các cơ sở ĐTN.

- Thành lập các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Trung tâm Quốc gia Đánh giá kỹ năng nghề tại Đà Nẵng để đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trước mắt, thành phố xây dựng danh mục nghề, đánh giá và cấp thẻ nghề cho người lao động hành nghề tự do trên địa bàn.

- Có cơ chế phối hợp để cộng đồng xã hội, các đoàn thể, các hội nghề nghiệp thực hiện việc giám sát, phản biện nhằm nâng cao chất ĐTN. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Dạy nghề thành phố Đà Nẵng.

- Đăng cai tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế tại thành phố Đà Nẵng về thi tay nghề giỏi, thi giáo viên dạy nghề giỏi, triển lãm thiết bị dạy nghề...để giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao chất lượng ĐTN.

3. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và tăng cường quản lý nhà nước 

a) Cơ chế, chính sách


- Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người học nghề thuộc đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế theo quy định của Nhà nước.

- Rà soát hoàn chỉnh và nghiên cứu ban hành các chính sách của thành phố có tính ưu việt hơn so với chính sách chung của quốc gia:

+ Chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

+ Chính sách đối với người học nghề

+ Chính sách đối với cơ sở ĐTN

+ Chính sách đối với doanh nghiệp tham gia ĐTN.

+ Chính sách giải quyết việc làm đối với người sau học nghề.

- Đổi mới cơ chế kế hoạch và tài chính ĐTN từ ngân sách thành phố theo hướng tập trung vào cơ sở trọng điểm, ngành nghề trọng điểm. Đẩy mạnh thực hiện giao quyền tự chủ đối với các trường, trung tâm dạy nghề công lập.

b) Quản lý nhà nước

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về DTN của cơ quan quản lý các cấp; trước hết là tuyển dụng và đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề của Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội, kiện toàn bộ phận làm công tác quản lý ĐTN tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện; thường xuyên đào tạo, tập huấn nghiệp vụ.

- Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước về ĐTN trên địa bàn. Xây dựng quy định phối hợp quản lý đối với các cơ sở ĐTN thuộc Bộ, ngành, hội, đoàn thể Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trên địa bàn thành phố.

- Từng bước thực hiện việc bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở ĐTN công lập thuộc địa phương quản lý; xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước tại các cơ sở ĐTN công lập; kêu gọi vốn đầu tư, quản lý từ bên ngoài vào cơ sở ĐTN công lập.

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về ĐTN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thanh tra và kiểm định chất lượng ĐTN.

4. Nhóm giải pháp về đầu tư

- Trên quan điểm đầu tư cho ĐTN là đầu tư cho phát triển, nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư. Nâng tỷ trọng đầu tư cho ĐTN trong tổng chi ngân sách thành phố. Đầu tư có trọng điểm, không dàn trải đặc biệt là đầu tư đồng bộ cho các công tác đào tạo các nghề trọng điểm, nâng chuẩn tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; đặc biệt có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở ĐTN mới ở khu vực Hòa Vang. Tăng đầu tư hỗ trợ ĐTN cho người nghèo, thanh niên, đối tượng chính sách, lao động vùng đô thị hóa, lao động nông thôn, người khuyết tật, học sinh bỏ học.

- Đến năm 2020, đầu tư đồng bộ (phát triển chương trình đào tạo, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý), cho 1-2 trường cao đẳng nghề công lập để có đủ điều kiện đào tạo từ 3-5 nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao đạt chuẩn quy định.

- Đối với các trường cao đẳng nghề thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đóng trên địa bàn, nếu tham gia đào tạo từ 3-5 nghề trọng điểm, đạt kiểm định chất lượng, được thành phố đặt hàng đào tạo từ ngân sách thành phố.

5. Nhóm các giải pháp về đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong ĐTN

- Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự phát triển ĐTN. Ưu tiên các dự án nước ngoài để đầu tư phát triển ĐTN, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình, học liệu, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

- Tăng cường xúc tiến dự án đầu tư nước ngoài vào hoạt động ĐTN ở thành phố. Đối với dự án đầu tư nước ngoài được hỗ trợ chính sách theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chính sách thuế, đất đai theo quy định của pháp luật cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập cơ sở ĐTN theo quy hoạch.

- Khuyến khích các cơ sở ĐTN trong nước hợp tác với các trường ĐTN ở các nước phát triển để trao đổi chương trình đào tạo, giáo viên, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy...

6. Xây dựng các đề án nhánh phụ trợ cho triển khai quy hoạch

a) Đề án ĐTN cho người nghèo, nông dân bị thu hồi đất sản xuất.
b) Đề án phát triển giáo viên dạy nghề ở thành phố đến năm 2020.
c) Đề án thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng.
d) Đề án thành lập Hiệp hội dạy nghề thành phố Đà Nẵng.
đ) Đề án quy định ngành, nghề sử dụng lao động phải qua ĐTN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
e) Đề án thông tin, dữ liệu về ĐTN.
g) Đề án thành lập Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia tại Đà Nẵng (thành phố phối hợp với Bộ Lao động - Thương và Xã hội xây dựng và triển khai)
h) Đề án đánh giá, cấp thẻ nghề cho người lao động hành nghề tự do tại thành phố Đà Nẵng.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT